Theo đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường cảnh giác, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng với tình hình xâm nhập mặn đang tăng cao trên các sông chính, đề phòng mặn xâm nhập sâu vào trong nội đồng gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, dân sinh.
Các địa phương chỉ đạo Đài Truyền thanh địa phương thông tin rộng rãi về tình hình xâm nhập mặn để người dân biết, chủ động ứng phó, lưu ý khuyến cáo người dân đo, kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước tưới cho cây trồng để tránh xảy ra thiệt hại.
Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Cấp thoát nước, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quan trắc, theo dõi chặt chẽ tình hình xâm nhập mặn tại các điểm đo, công trình, cửa lấy nước,... để có phương án vận hành công trình phù hợp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, nhằm chủ động trong phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023, Sở đề nghị các sở, ban ngành tỉnh có liên quan; UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch Phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 và các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 theo kế hoạch, phương án của đơn vị, địa phương đã được xây dựng.
Các ngành và địa phương tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2022 bằng nhiều hình thức như: tận dụng các dụng cụ trữ nước đã được hỗ trợ; trữ nước trong các ống hồ, mái, lu, bồn chứa, túi chứa nước; đào hố trãi bạt, ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn, đập cục bộ từng khu vực và các biện pháp khác đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong mùa hạn mặn.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các đơn vị cấp nước để kịp thời giải quyết những kiến nghị của các địa phương, người dân liên quan đến hoạt động cấp nước thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với các sở, ngành trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp nước sạch của các đơn vị cấp nước trên địa bàn; tránh tình trạng ô nhiễm môi trường.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, một số đơn vị cũng đã có kế hoạch đo mặn cụ thể như: Công ty Khai thác công trình thủy lợi có kế hoạch đo kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối, cống lấy nước (35 điểm đo); Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn có kế hoạch tổ chức đo mặn tại 29 nhà máy nước; Công ty Cấp thoát nước Bến Tre tổ chức 3 điểm đo mặn tự động để theo dõi mặn từ xa trên sông An Hóa và sông Hàm Luông, đồng thời bố trí 20 điểm đo mặn khu vực lấy nước của 5 nhà máy nước An Hiệp, Sơn Đông, Hữu Định, Chợ Lách, Lương Quới.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, do ảnh hưởng của gió Đông, Đông-Nam và lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về giảm đột ngột trong những ngày qua dẫn đến độ mặn trên các sông chính trong tỉnh đang tăng cao.