Xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến lấy nước ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong tuần tới, xâm nhập mặn có xu thế tiếp tục tăng theo kỳ triều cường Rằm tháng Giêng âm lịch.

Chú thích ảnh
 Cán bộ kỹ thuật Công ty THHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre kiểm tra độ mặn khu vực cống Trung Nhuận, huyện Giồng Trôm. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Ranh mặn 4 g/l lớn nhất tuần sau có thể xuất hiện từ phạm vi 45 - 55 km trên các cửa sông Cửu Long, từ 55 - 70 km trên cửa sông Vàm Cỏ.

Hiện tại, xâm nhập mặn bắt đầu ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi từ 30 - 50 km từ cửa biển vào các ngày triều cường.
 
Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2/2023, Tổng cục Thủy lợi cho biết, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập đến 40 - 50 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 1 8- 20 km. Một số thời điểm sẽ ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi từ 40 km trở xuống.

Ranh mặn 4 g/l lớn nhất tháng 2/2023, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 65 - 70 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 25 - 35 km,  nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm 2022 từ 5 - 7 km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 60 km trở xuống trong các kỳ triều cường.

Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.

“Một số thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, tuy nhiên, nguồn nước cơ bản vẫn đảm bảo để cung cấp phục vụ sản xuất cho vụ Đông Xuân 2022 - 2023”, Tổng cục Thủy lợi nhận định.

Tuần qua, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công có xu thế giảm, dòng chảy đầu nguồn sông Cửu Long có xu thay đổi theo triều.

Tại trạm Kratie, mực nước trong tuần có xu thế giảm, đến 7 giờ ngày 1/2/2023 mực nước đạt 7,5 m; so với cùng kỳ cao hơn trung bình nhiều năm 0,58m, cao hơn năm 2022 khoảng 0,08 m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,82 m, cao hơn năm 2016 khoảng 0,65 m.

Tại Biển Hồ, dung tích ngày 1/2 đạt 8,15 tỷ m3; so với cùng kỳ, cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,35 tỷ m3, cao hơn năm 2022 khoảng 2,87 tỷ m3, cao hơn năm 2020 khoảng 5,61 tỷ m3, cao hơn năm 2016 khoảng 5,49 tỷ m3.

Tại Tân Châu và Châu Đốc, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc tuần qua có xu thế giảm theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 1/2 tại trạm Tân Châu đạt 1,29 m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 khoảng 0,12 m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,16 m. Tại Châu Đốc đạt 1,46 m; so với cùng kỳ, cao hơn năm 2016 0,17m, cao hơn năm 2020 khoảng 0,17 m.

Bích Hồng (TTXVN)
Vĩnh Long chủ động ứng phó với xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông
Vĩnh Long chủ động ứng phó với xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, dịp Tết Quý Mão năm 2023 trùng với kỳ nước triều dâng cao 30 tháng Chạp âm lịch năm Nhâm Dần nên khả năng độ mặn xâm nhập sâu và sạt lở bờ sông có thể diễn biến phức tạp, do đó, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình để chủ động ứng phó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN