Đây là nhận định chung của nhiều cử tri thành phố Hải Phòng qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, được truyền hình trực tiếp sáng 8/6.
Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Phạm Văn Chững, huyện Kiến Thuỵ nhận định, thực tiễn nhiều năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy đây là chương trình lớn, có sức lan tỏa rộng rãi, tác động trực tiếp đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và sự phát triển của mỗi địa phương. Những thành quả chương trình mang lại là rất to lớn, làm thay đổi căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trong cả nước nói chung, Hải Phòng nói riêng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là nhiều địa phương xuất phát điểm thấp, gặp khó khăn trong triển khai thực hiện nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, cung cấp nước sạch cho nhân dân còn bất cập.
Việc kêu gọi và huy động doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khó khăn, kết quả còn khiêm tốn. Công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn mới kiểu mẫu gặp nhiều khó khăn do giá trị đất cao, diện tích người dân đã hiến trước đây nay hiến tiếp sẽ thu hẹp diện tích sử dụng. Trong khi đó, một số tuyến đường giao thông khác trên địa bàn được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn khác có đền bù hỗ trợ về đất dẫn đến người dân có sự so sánh. Việc di chuyển các hạ tầng về điện, viễn thông trên các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu gặp khó khăn do không có nguồn kinh phí hỗ trợ.
Từ thực tế này, ông Phạm Văn Chững đề nghị, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia sớm ban hành Quyết định, hướng dẫn chỉ đạo việc thực hiện chương trình trong giai đoạn tới nhất là tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao để các địa phương có sự chủ động trong quá trình triển khai chương trình.
Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách đầu tư phát triển một cách đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân tích tụ ruộng đất, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị nhất là khâu thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản, quy vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.
Quan tâm đến việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Hữu Đại, Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch quận Lê Chân cho rằng, việc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn do thiếu các văn bản hướng dẫn, cụ thể như: Phân cấp, ủy quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; phân định cụ thể việc sử dụng tài sản công là phục vụ hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định và việc góp vốn bằng tài sản vào hoạt động liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công; căn cứ xác định giá cho thuê đối với từng loại tài sản công... làm cơ sở xác định doanh thu, chi phí, hiệu quả trong việc sử dụng tài sản công.
Ông Nguyễn Hữu Đại đề nghị, Quốc hội chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết (trong đó xác định rõ trường hợp không phải lập Đề án, đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án và hướng dẫn cụ thể phương án tài chính khi lập Đề án).