Từ đầu niên vụ thu hoạch cà phê năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chỉ thị cấm các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn thu hái cà phê xanh, chỉ thu hái khi vườn cây có tỷ lệ quả chín đạt từ 95% trở lên. Thế nhưng, hiện nay, nhiều nông hộ sản xuất cà phê vẫn thu hái nhiều cà phê xanh, thậm chí có nơi, vườn cây tỷ lệ quả chín mới đạt từ 65-70% cũng đã đưa vào thu hoạch nên làm giảm chất lượng cà phê nhân xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, phần lớn diện tích cà phê thu hoạch sớm có tỷ lệ quả chín còn thấp là ở xa các khu dân cư, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Mặt khác, năm nay, giá nhân công thuê thu hái cà phê tăng cao, từ 2,8 đến 3 triệu đồng/lao động/tháng, có nơi bao luôn cơm ăn (sáng, trưa, tối) nhưng vẫn không có người để thuê nên các nông hộ chỉ tổ chức thu hái, tuốt sạch quả chín, quả xanh một lượt. Các doanh nghiệp thu mua cà phê cũng không phân biệt rõ về giá giữa cà phê chín và cà phê xanh nên cũng không khuyến khích được các nông hộ giữ cà phê chín mới đưa vào thu hoạch. Thực tế, các đại lý thu mua cà phê quả tươi trên các địa bàn trọng điểm cà phê của tỉnh như Cư M’Gar, Krông Năng, Krông Búk, Ea H’Leo, thị xã Buôn Hồ hiện nay mua cà phê chín, cà phê quả xanh chỉ chênh nhau từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hiện nay trên 85% diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh là của các nông hộ tự trồng, chăm sóc, quản lý nên chất lượng sản phẩm cà phê nhân chưa cao. Diện tích còn lại là của 27 doanh nghiệp nhà nước chuyên sản xuất kinh doanh cà phê nên thu hái luôn đạt tỷ lệ quả chín từ 95% trở lên, chất lượng sản phẩm cà phê nhân đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Quang Huy