Bảo tồn và phát triển cây rau sắng đặc sản

Rau sắng đã được ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam, cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, ở Phú Thọ, việc bảo tồn và phát triển loại rau này đang gặp không ít khó khăn, do người dân chủ yếu khai thác từ tự nhiên, không quan tâm đến việc gây trồng, bảo vệ.

 

Việc thu hái ngọn rau sắng của người dân chủ yếu bằng cách chặt cành hoặc chặt cả cây. Do vậy số lượng cây lớn ngày càng suy giảm và việc thu hái quả để nhân giống cũng gặp nhiều khó khăn. Vườn quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, nơi được coi là cái nôi để bảo tồn và phát triển loại rau này cũng đang có nguy “chết yểu”.


Ông Bàn Xuân Lâm, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết: Việc chặt phá “vô tội vạ” của người dân thời gian qua đã làm cho loại rau đặc sản này dần dần bị mai một, khó bảo tồn. Mặc dù, chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã tập trung tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn, phát triển cây sắng; khoanh nuôi trồng bổ sung những khu rừng có cây sinh trưởng, xây dựng mô hình trồng rừng giống, mô hình vườn hộ bằng cách gieo thẳng và trồng cây bầu hoặc hom rễ; xây dựng các mô hình hỗn giao rau sắng và các loài cây bản địa quý khác, nhưng vẫn chưa hiệu quả.


Được biết, để bảo tồn và phát triển cây rau quý này, năm 2004, Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) đã tài trợ 2,4 tỷ đồng cho Vườn quốc gia Xuân Sơn. Năm 2005, Ban quản lý vườn quốc gia đã trồng thử nghiệm 50 ha rau sắng và thu về 7 tấn quả chín (khoảng 140 triệu đồng) và dự kiến sẽ phát triển 100 ha rau sắng, trung bình mỗi hộ dân sẽ trồng từ 0,5 ha trở lên. Theo ông Phan Văn Long, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Sơn: Ban quản lý vườn quốc gia đang tiếp tục nhân giống để cung cấp cho người dân. Hiện đã có 3 mô hình được nhân giống tại xã Minh Đài, Tân Sơn và Đồng Sơn.


Tạ Văn Toàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN