Bão số 3: Thực phẩm, rau xanh dồi dào, giá ổn định trong sáng 7/9

Khác với hai ngày trước (5-6/9) mọi người do lo ngại về cơn bão số 3 đổ về nên đã đổ xô đi mua thực phẩm, rau xanh, đồ khô tích trữ, nhưng sáng nay (7/9) ngoài các chợ truyền thống, dân sinh vẫn họp bình thường các mặt hàng thực phẩm rau xanh rất dồi dào, giá cả vẫn ổn định so với 2 ngày trước đó, nhưng người mua lại thưa thớt.

Chú thích ảnh
Siêu thị Vinmart Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng dồi dào hàng hóa trong khi người mua không nhiều (ảnh chụp lúc 10g ngày 7/9). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Như tin TTXVN đã đưa trước đó, do lo ngại cơn bão số 3 đổ về gây mưa to nên nhiều người dân Hà Nội đã chủ động mua tích trữ rau xanh, thực phẩm cá thịt khiến cho các mặt hàng này trong 2 ngày vừa qua  đắt khách, giá cả có tăng nhẹ. Bên cạnh những bà nội trợ có tâm lý lo xa thì cũng có nhiều người cho rằng bão đổ về có 2-3 ngày nên cũng không đến mức phải đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ.

Sáng nay (7/9) tại các chợ truyền thống như Nguyễn Công Trứ, Mùng 8/3, Thành Công, Kim Liên, Dốc Đề, chợ Hôm Đức Viên.... chợ vẫn họp bình thường thực phẩm rau xanh dồi dào nhưng không còn tình trạng xếp hàng mua bán như ngày hôm qua. Cụ thể, giá rau muống 15.000 đồng/mớ; bí xanh 22.000 - 30.000 đồng/kg; rau ngót, rau dền 10.000 - 15.000 đồng/mớ; quả lặc lè 40.000 đồng/kg; bắp cải 25.000 đồng/kg; cà chua 45.000 đồng/kg; các loại rau gia vị khá đắt, từ 3.000 - 5.000 đồng/mớ.

Giá thịt lợn khoảng 120.000 -160.000 đồng/kg; trong đó, thịt nạc vai từ 140.000 - 160.000 đồng/kg; giá thịt bò cũng chỉ 270.000 - 300.000 đồng/kg, trứng gà 35.000 đồng/10 quả (bình thường khoảng 32.000 đồng/10 quả). Một số phản thịt hết hàng từ 9h sáng, các hàng thịt gà, thịt bò cũng rất đắt khách.

Nhưng đến trưa ngày 7/9, chị Phạm Thu Hương, tiểu thương chợ Kim Liên cho biết, hôm qua chị hết hàng rất sớm, thậm chí còn tranh thủ lấy thêm một con lợn nữa về bán, nhưng hôm nay từ sáng đến giờ một con lợn vẫn chưa hết một nửa. Mọi người do tâm lý lo lắng quá đã đi mua thực phẩm tích trữ từ hai hôm trước, nhưng thực tế hàng hóa rất dồi dào, bão vào cũng chỉ 2-3 hôm là tan. 

Còn chị Đoàn Thiên Hương, bán thịt lợn ở chợ Kẻ Vẽ (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) thì cho biết, từ chiều 5/9, chị đã gọi điện về quê để thịt thêm 2 con lợn và 20 con gà do có nhiều người quen gọi điện đặt hàng. Không chỉ thịt lợn, thịt gà, nhà chị Hương còn chở thêm bí xanh, bí đỏ và các loại rau xanh để phục vụ người dân mua dự trữ phòng chống bão số 3. Nhưng sáng nay người đi chợ mua sắm rất thưa thớt, thực phẩm thì dồi dào đến giờ cửa hàng của chị vẫn chưa bán hết một con lợn

Chị Bùi Hằng Trang ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Khi nghe các phương tiện truyền thông cảnh báo về cơn bão số 3, chị thấy nhiều người đi mua gạo và trứng, đồ khô để tích trữ trong nhà. Chị thấy không cần thiết vì chợ và siêu thị lúc nào cũng hoạt động chỉ cần mua đủ cho gia đình dùng là được, tránh tình trạng tiếp tay cho tư thương tạo "sốt ảo" về giá thực phẩm. Sáng nay chị đi chợ Nguyễn Công Trứ thấy thịt cá tôm, rau xanh hoa quả rất nhiều giá cả cũng có tăng một chút không đáng kể.

Còn theo chị Vũ Thu Anh, ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết, sáng sớm chị tranh thủ mua ít rau xanh tại chợ Ngô Sĩ Liên thấy thực phẩm, rau xanh, thịt cá tôm vẫn đầy đủ, giá cả cũng tăng chút ít, nhưng người mua rất vắng do mọi người đã mua trữ thực phẩm phòng bão từ hai hôm trước rồi.

Theo chị Vũ Thu Anh do mọi người lo lắng quá nên đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ, chị thấy không cần thiết phải mua như vậy chỉ cần mua đủ ăn là được. Vì bão vào 2-3 hôm là bão lại tan, trong khi đó siêu thị và chợ vẫn hoạt động bình thường không nên mua tích trữ.

Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tránh tình trạng tư thương lợi dụng tình hình mưa bão tăng giá hàng hóa gây bất ổn thị trường, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn, hướng dẫn, kiểm tra các hộ kinh doanh đảm bảo ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng lợi dụng mưa, bão để nâng giá trục lợi. Đồng thời rà soát, kiểm tra việc thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ đảm bảo đời sống nhân dân của các đơn vị trên địa bàn, đảm bảo thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh và khả năng của đơn vị chủ động về nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong mùa mưa bão như: sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, nước sạch, thực phẩm chế biến từ thịt và cá, gạo, nến, sữa uống hộp giấy, ủng, cao su, đèn pin, áo mưa...

Tiến hành kiểm tra, gia cố các kho hàng, cơ sở kinh doanh, đảm bảo an toàn về con người, tài sản, hàng hóa và phòng chống cháy nổ. Tổ chức tốt hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân khi xảy ra tình trạng mua, bão, ngập, úng. 

Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội các tổ chức kinh doanh điện khác trên địa bàn thành phố chủ động lập và triển khai thực hiện tốt các phương án đảm bảo điện do ảnh hưởng của cơn bão số 3; tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng thiết bị điện an toàn cho khách hàng sử dụng điện.

Chú thích ảnh
Người dân Hà Nội tranh thủ đi chợ sớm mua thức ăn phòng mưa ngập. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Cùng đó, chỉ đạo các Công ty điện lực trực thuộc tăng cường kiểm tra hệ thống lưới điện trong phạm vi quản lý, có biện pháp đảm bảo an toàn tại các công trình điện có nguy cơ ngập úng, thay thế các cột điện có nguy cơ đổ, gãy, các đoạn day điện xung yếu, các thiết bị kém chất lượng, kiểm tra xử lý các tiếp địa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chặt tỉa cây cối trong hành lang lưới điện; thu hồi cột điện, dây dẫn điện không còn vận hành; phối hợp với chính quyền địa phương bó gọn và nâng cao các loại dây dẫn trên các tuyến phố đảm bảo thông thoáng, an toàn, mỹ quan. Tổ chức trực 24/24h để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra.

Nam Giang (TTXVN)
Ngành điện sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra do bão
Ngành điện sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra do bão

Để ứng phó với bão số 3 YAGI – cơn bão được đánh giá mạnh nhất trong vòng 10 năm qua và mạnh nhất trên thế giới trong năm 2024 cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã có công điện và chỉ thị chỉ đạo các đơn vị tập trung công tác phòng chống bão.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN