Mặc dù cả 3 nhóm nông sản, công nghiệp và năng lượng đều tăng, nhưng mức giảm mạnh gần 2% của nhóm kim loại đã khiến chỉ số MXV-Index suy yếu nhẹ.
Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng gần 20% trong phiên hôm qua, lên mức hơn 5.600 tỉ đồng. Trong đó, tỉ trọng của nhóm kim loại mặc dù thường chỉ chiếm 15%, nhưng cũng đã ghi nhận mức tăng vọt trong phiên hôm qua 22/3 lên hơn 25% tổng giá trị giao dịch.
Kim loại quý bớt hấp dẫn?
Lực bán mạnh khiến cho sắc đỏ áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Các mặt hàng kim loại quý không còn duy trì được đà tăng với giá vàng giảm 0,8% về 1.921,4 USD/ounce, giá bạc đóng cửa thấp hơn 1,6% và đánh mất mốc 25 USD. Bạch kim giảm gần 2% về 1.025,1 USD/ounce.
Dòng tiền rời khỏi các thị trường trú ẩn an toàn, trong bối cảnh các nhà đầu tư không còn quá lo lắng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất “mạnh tay” hơn. Công cụ theo dõi CME Watch Tool hiện cũng đang cho thấy có 72% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% trong cuộc họp vào tháng 5 sắp tới nhằm ứng phó với lạm phát.
Các nhà đầu tư hiện đang ưu tiên rót vốn vào những thị trường nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử, bởi các động thái kiềm chế lạm phát của Fed đã cải thiện tâm lý, và không làm ảnh hưởng tới kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Điều này khiến cho giá của các mặt hàng kim loại quý gặp nhiều sức ép. Bên cạnh đó, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đang cao nhất trong vòng 3 năm cũng sẽ là một “lực cản” gián tiếp đối với sức mua trên thị trường kim loại quý, vì dòng tiền có thể được dịch chuyển sang trái phiếu thay vì vàng, bạc hay bạch kim.
Nikel giảm hơn 10%, đồng và quặng sắt cũng chìm trong sắc đỏ
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giảm 0,2% về 4,7 USD/pound. Tuy mức giảm có phần khiêm tốn, nhưng thực tế giá đồng biến động mạnh trong phiên hôm qua, đã có lúc giá chạm 4,77 USD, trong bối cảnh Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết thị trường đồng có thể thâm hụt 475.000 tấn trong năm nay, vì sản lượng ở hai nhà sản xuất lớn nhất thế giới là Chile và Peru sụt giảm. Tuy nhiên, giá đóng cửa trong sắc đỏ, bởi mặc dù nguồn cung thâm hụt, nhưng những nhu cầu tiêu thụ đối với đồng chưa tăng mạnh vì những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, giá niken tiếp tục giảm mạnh hơn 10% về 28.159 USD/tấn. Các nhà đầu tư tiếp tục “tháo chạy” khỏi thị trường niken sau đợt tăng giảm cực đoan trong thời gian vừa qua. Hiện giá đã giảm gần 50% so với mức đỉnh, và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giá quặng sắt cũng giảm hơn 3% về 145,6 USD/pound khi mà các hoạt động sản xuất thép ở Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục bị hạn chế để giảm thiểu ô nhiễm không khí. Bộ Sinh thái và Môi trường của nước này thông báo rằng đợt kiểm tra sinh thái và môi trường lần thứ hai đã chính thức được khởi động. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn sớm để có thể khẳng định rằng giá sắt đã đảo chiều.
Biến động tăng mạnh của giá quặng sắt và các nguyên liệu khác như than, thép phế liệu đã đẩy giá thép trong nước tăng liên tiếp trong thời gian qua. Hiện giá thép xây dựng đã vượt 19 triệu đồng/tấn, cao hơn gần 1 triệu đồng so với mức đỉnh năm 2021.