Băn khoăn đầu ra cho gần 40.000 tỉ đồng nợ xấu

Gần 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua từ các ngân hàng trong khoảng thời gian rất ngắn. Đây cũng là con số vượt so với mục tiêu mua khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu của Công ty này thời gian qua. Tuy nhiên, đầu ra của các khoản nợ mà VAMC đã thu gom nói trên sẽ được giải quyết ra sao vẫn đang là câu hỏi lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC khẳng định, VAMC sẽ không mua nợ về rồi chất đống để đó. “Chúng tôi đang trong giai đoạn phân loại, cơ cấu lại các khoản nợ, cùng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và vực dậy sản xuất kinh doanh. Nhiệm vụ của VAMC đến nay vẫn đang thực hiện đúng lộ trình. Có điều với những khoản nợ phức tạp và với những khoản nợ đã mua từ năm ngoái đến nay VAMC cần có thời gian đánh giá lại để rút kinh nghiệm”- Phó Chủ tịch VAMC lý giải.

Theo ông Hùng, VAMC không hề chậm trễ trong việc phân loại, mua bán nợ xấu. Hiện tại, VAMC vẫn đang đánh giá các khoản nợ xấu và đưa về mức lãi suất hợp lý để đảm bảo doanh nghiệp có thêm vốn, trả được nợ ngân hàng. Ngoài việc thẩm định, mua bán nợ của các TCTD, mục tiêu trọng tâm của VAMC trong năm 2014 là thành lập Ban xử lý cơ cấu nợ.

Ngoài ra, VAMC cũng xúc tiến cùng TCTD và doanh nghiệp tái cấu trúc lại doanh nghiệp, hiện nay đã tiến hành được tái cấu trúc 1 số doanh nghiệp. Cùng với đó, các TCTD dù bán nợ cho VAMC nhưng vẫn có trách nhiệm thu hồi nợ doanh nghiệp. Theo báo cáo cập nhật hàng tuần của VAMC thì tới nay khoản nợ thu hồi được từ doanh nghiệp khoảng trên 200 tỷ đồng.

Khẳng định việc xử lý nợ xấu đã mua không phải đơn giản, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, việc VAMC mang nợ đi bán rẻ bằng mọi giá không phải là một giải pháp tốt. Hiện cũng có nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước có ý định tham gia mua lại nợ xấu của VAMC. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản về pháp lý cần phải tháo gỡ như vấn đề sở hữu tài sản, đặc biệt tài sản là bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài hay vấn đề tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp... trước khi bán nợ.

“Điều mà chúng tôi băn khoăn hiện nay là còn nhiều rào cản về yếu tố pháp lý trong việc mua bán nợ xấu, đặc biệt là tài sản thế chấp là bất động sản. Nếu doanh nghiệp không có khả năng phục hồi thì chúng tôi sẽ phải xử lý bằng cách phát mại, hóa giá tài sản đó ra sao? Chúng tôi sẽ cố gắng hết mình nhưng cũng cần phải có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Có như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào việc mua bán, xử lý nợ xấu sẽ yên tâm hơn”, Phó Chủ tịch VAMC nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một trong những người “đỡ đầu” cho đề án thành lập VAMC cũng cho biết, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang thăm dò thị trường nợ Việt Nam và muốn mua nợ từ VAMC nhưng do cơ chế bán nợ của VAMC chưa hoàn thiện nên các nhà đầu tư nước ngoài mới dừng lại ở giai đoạn thăm dò, tìm hiểu.

Để tiếp tục làm tan “cục máu đông” nợ xấu, một văn bản hướng dẫn đảm bảo cơ sở pháp lý cho VAMC có thể bán các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Mục đích của văn bản là nhằm tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng đặc thù trong việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC, đồng thời tạo điều kiện cho VAMC bán tài sản nhanh chóng, thuận tiện với giá tốt nhất có thể. Với mục tiêu đó, dự thảo quy định, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã được VAMC mua sẽ được xử lý theo thỏa thuận của các bên. Nếu không có thỏa thuận thì tài sản được bán đấu giá.

Năm 2014 tiếp tục là năm đầy áp lực đối với VAMC. Tuy nhiên, với mục tiêu mua nợ từ 70 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án mua nợ theo giá thị trường (kèm theo đề án này là mua đứt, bán đoạn). Mục tiêu của VAMC trong quý I/2014 là mua 10.000 tỷ đồng nợ xấu và hiện cơ quan này đang xem xét mua 7.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện có một số ngân hàng đề nghị cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt mà các ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC và Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá rà soát để quyết định tỷ lệ chiết khấu. Tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn chưa có ngân hàng nào được cho vay tái cấp vốn từ việc chiết khấu trái phiếu đặc biệt.


Đỗ Huyền

VAMC mua hơn 1.700 tỷ đồng nợ xấu của Agribank

Chiều 1/10, tại Hà Nội, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký hợp đồng mua 27 khoản nợ đầu tiên của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với tổng trị giá hợp đồng là hơn 1.700 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN