Năm 1998, xã Tân An, huyện Càng Long là nơi đầu tiên xuất hiện tình trạng nông dân bán đất sét ruộng lúa cho các chủ cơ sở làm gạch xây dựng trong tỉnh và từ Vĩnh Long đến mua. Vùng đất Tân An được xem là “mỏ” đất sét ít lẫn lộn tạp chất, gạch làm ra đạt chất lượng cao nên các chủ cơ sở làm gạch đổ xô về đây tranh mua. Vì vậy, chỉ sau hơn 10 năm, “mỏ” đất sét Tân An không còn, hàng trăm héc ta đất oằn trũng, canh tác lúa không còn đạt hiệu quả, nhiều diện tích trở thành hoang hóa. Tuy nhiên, bán đất sét ruộng lúa vẫn như vết dầu loang lan rộng dần sang các xã Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A của huyện Châu Thành và đã “nhiễm” đến những vùng tiếp giáp với huyện Tiểu Cần của tỉnh Trà Vinh.
Nông dân Trà Vinh phải quây túi để cắt lúa tạp. |
Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, trên địa bàn các xã Song Lộc, Lương Hòa, Lương Hòa A, hiện có hơn 30 máy cối nhồi đất sét làm gạch và trên 600 ha đất ruộng lúa bị khai thác. Tuy nhiên, con số thống kê này vẫn chưa đầy đủ và thực tế còn lớn hơn nhiều.
Theo ông Huỳnh Quang Nhường, cán bộ nông nghiệp xã Song Lộc, tình trạng này diễn ra từ năm 2007. Hiện xã có hơn 500 ha trong tổng diện tích 2.455 ha đất ruộng bị khai thác nguồn đất sét, tập trung tại các ấp Nê Có, Trà Uông, Láng Khoét, Trà Nóc. Theo thỏa thuận giữa người bán và người mua, đất ruộng được khai thác theo cách lấy bỏ đi lớp đất mặt từ 0,1 - 0,15 m rồi khai thác sâu nguồn đất sét từ 0,4 - 0,45 m (tùy loại đất). Bình quân, 1 ha đất ruộng được các chủ cối làm gạch mua với giá từ 150 - 200 triệu đồng tùy theo vị trí đất xa hay gần đường giao thông bộ hay đường thủy.
Các hộ bán đất sét ruộng biện minh đây là cách tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể mà họ tích luỹ cả đời làm nông chưa chắc có được. Họ còn cho rằng mình có lợi thêm là hạ được mặt bằng đất ruộng, giúp chủ động trong tưới tiêu. Vì khoản tiền này, nhiều nông dân bất chấp hậu quả, lén lút bán đất sét ruộng lúa trái pháp luật.
Mặc dù nhận thức được hậu quả, nhiều nông dân không bán đất sét ruộng nhưng khi những hộ liền kề xung quanh bán đi thì đất ruộng trở nên gò cao, không cầm thủy và sản xuất gặp khó khăn. Chi phí sản xuất tốn kém hơn nhiều nên cuối cùng buộc lòng cũng phải bán. Ông Nguyễn Văn Mừng, ở ấp Ô Bắp, xã Lương Hòa A chia sẻ, trước đây ông nhất định không chịu bán đất sét 0,3 ha đất ruộng của gia đình. Nhưng 2 năm qua, do đất ruộng xung quanh đã bán đất sét, ruộng của ông sản xuất rất khó khăn nên đành phải bán theo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Quang Minh, Trưởng bộ môn Tài nguyên đất đai (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ) đã từng khuyến cáo, tình trạng khai thác đất sét ruộng lúa để làm gạch, gốm tùy tiện ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Trà Vinh nếu không khắc phục sẽ dẫn đến hệ lụy là bề mặt ruộng đất lồi, lõm, nơi thấp, nơi cao, đất dễ bị lún không thể cơ giới hóa. Chưa kể những nơi bị khai thác quá sâu có thể làm phèn trào lên, ảnh hưởng đến sản xuất thậm chí là không thể canh tác được.
Lời cảnh báo đó đến nay đã thực sự hiện hữu trên nhiều diện tích đất ruộng và làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nông dân trên cùng một cánh đồng. Ông Thạch Phinh, ấp Trà Uông là một điển hình hối hận đầu tiên khi đã bán đi 0,8 ha đất cho chủ cối lấy đất sét. Ông Phinh cho biết, qua 2 năm trồng lúa ông phải tốn kém cho phí về phân bón, nhiên liệu để bơm tát nước cao gấp 3 - 4 lần so trước đây, cây lúa bị ngã không thu hoạch bằng máy được, năng suất lúa bị giảm đến 30%.
Theo ước tính của nhiều nông dân không bán đất sét, trên cùng cánh đồng nếu có 1 ha ruộng bán đất sét sẽ gây ảnh hưởng rộng đến 30 ha liền kề. Đó là chưa tính đến bất lợi khi ứng dụng khoa học kỹ thuật, việc thành lập tổ hợp tác sản xuất cánh đồng lớn.
Trước tình hình khai thác đất sét ngày càng “nóng”, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo UBND các huyện Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần tăng cường kiểm tra và xử lý việc bán đất sét ruộng lúa. Theo ông Lâm Sáng Tươi, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, huyện đã tiến hành thành lập tổ công tác gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, các ngành có liên quan và UBND các xã, thị trấn để thực hiện công tác kiểm tra, quản lý tình trạng khai thác đất sét trái phép trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện Châu Thành đã xử lý 22 trường hợp khai thác đất sét trái phép, phạt tiền 175 triệu đồng.
Tuy nhiên, do mức xử phạt được căn cứ theo Nghị định 142 /2013/NĐ - CP của Chính phủ chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, Chủ tịch UBND xã chỉ được ra quyết định xử phạt hành chính tối đa là 5 triệu đồng và tịch thu phương tiện có giá trị tối đa 5 triệu đồng, Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính tối đa là 50 triệu đồng và tịch thu phương tiện có giá trị tối đa 50 triệu đồng. Trong khi đó, mức lợi nhuận đem lại cho các chủ cối rất cao nên sau khi bị tịch thu phương tiện, phạt tiền, các đối tượng mua sắm phương tiện mới và tiếp tục lén lút hoạt động.
Việc xử lý và quản lý tình hình khai thác đất sét ruộng ở tỉnh Trà Vinh rất cần có một giải pháp hữu hiệu hơn và biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn triệt để. Vấn đề cấp bách hiện nay là chính quyền, ngành chuyên môn phải nhanh chóng công bố quy hoạch về vùng sản xuất đến người dân theo từng vùng. UBND tỉnh Trà Vinh đã có chính sách hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch nung chuyển đổi sang sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Vì vậy, cần mạnh dạn chủ trương cấm tình trạng mua và bán đất sét ruộng.
Trước mắt, UBND các xã cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nông dân về tác hại của việc bán đất sét tùy tiện. Bên cạnh đó, làm tốt công tác phối hợp với ngành chức năng thường xuyên kiểm tra ngăn cản việc khai thác đất sét trái phép. Việc xử lý nên đề nghị về UBND huyện, UBND tỉnh để thực hiện chế tài mạnh đủ sức răn đe đối với các chủ cối mua và khai thác đất sét trái phép. Có vậy, tình trạng bán đất sét tùy tiện trên địa bàn tỉnh mới có hồi kết, tránh được hậu quả nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh.