Bắc Ninh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Bài cuối: Mở cơ hội vàng đón dòng vốn đầu tư

Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, mạnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bên cạnh những yếu tố khách quan, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư. Nhờ vậy, đến nay Bắc Ninh giữ vững vị thế là "thỏi nam châm thu hút đầu tư" của cả nước.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp Vsip, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh luôn được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

PCI bứt phá

Theo số liệu thông báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2019 chỉ số PCI của tỉnh Bắc Ninh đạt 70,79 điểm (tăng 6,29 điểm so với năm 2018), tăng 11 bậc, lên vị trí số 4/63 tỉnh, có chỉ số PCI cao và được xếp hạng ở mức rất tốt. Trong số những chỉ tiêu góp phần nâng cao chỉ số PCI, Bắc Ninh có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm như chỉ số tiếp cận đất đai (tăng 1,16 điểm); tính minh bạch (tăng 1,17 điểm); chi phí thời gian (tăng 0,11 điểm); chi phí không chính thức (tăng 1,92 điểm); tính năng động (tăng 1,35); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 1,85 điểm); cạnh tranh bình đẳng (tăng 2,21 điểm)…

Đáng lưu ý, trong những chỉ số trên, nhiều chỉ số có bước tăng đột phá, vươn lên vị trí xếp hạng đứng đầu cả nước. Tiêu biểu là chỉ số tính minh bạch xếp thứ 53/63 toàn quốc vào năm 2018, tăng lên xếp thứ 6 toàn quốc năm 2019. Ngoài ra, chỉ số chi phí không chính thức xếp hạng 51/63 toàn quốc năm 2018, năm 2019 đứng thứ 6 toàn quốc. Chỉ số tính năng động xếp thứ 18/63 toàn quốc năm 2018, đến năm 2019 xếp thứ 5 toàn quốc. Dẫn đầu là chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự vươn từ vị trí 40 năm 2018 lên vị trí số 1 toàn quốc năm 2019.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định: Kết quả trên phản ánh sự kiên trì và quyết tâm của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh. Những giải pháp nâng cao năng lực PCI của tỉnh trong nhiều năm qua đã phát huy và đạt được kết quả tích cực. Trong đó, điển hình tỉnh đã triển khai có hiệu quả sáng kiến đưa vào vận hành trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và đổi mới mô hình một cửa cấp xã; mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp"… Đặc biệt, gần đây tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã tạo chuyển biến trong nhận thức bình đẳng giữa các khu vực kinh tế. Riêng năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành 8 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, qua đó nhiều vướng mắc được giải quyết có hiệu quả.

Trong số các biện pháp nâng cao chỉ số PCI, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đặc biệt lưu ý đến tính năng động tiên phong của lãnh đạo. Năm 2019, chỉ số này đạt 7,34 điểm, tăng 1,35 điểm so với năm 2018 và tăng 13 bậc lên vị trí thứ 5 cả nước. "Khi lãnh đạo năng động, tiên phong sẽ tạo ra tác động kép và những sáng kiến khác sẽ được cải cách theo. Điều này sẽ tác động và làm thay đổi các chỉ số khác. Đây là yếu tố then chốt giúp Bắc Ninh bứt phá, cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh", bà Nguyễn Hương Giang khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số thành phần tăng điểm, năm 2019, Bắc Ninh có 2/10 chỉ số thành phần giảm điểm gồm chỉ số gia nhập thị trường giảm 9 bậc từ thứ hạng 40 (năm 2018) xuống thứ hạng 49 (năm 2019) và chỉ số đào tạo lao động giảm 12 bậc từ thứ hạng 5 (năm 2018) xuống thứ hạng 17 năm 2019. Đánh giá về những chỉ số giảm điểm, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết: Mặc dù các chỉ số trên giảm điểm nhưng những chỉ tiêu nhỏ trong các chỉ tiêu thành phần vẫn tiến bộ. Điển hình như với chỉ số đào tạo lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp tăng từ 48,27% (năm 2018) lên 57,35% (năm 2019); doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm tăng từ 70% (năm 2018) lên 83,33% (năm 2019)…

Ông Nguyễn Phương Bắc cho biết thêm, nguyên nhân giảm điểm chính là các tỉnh khác có tiến bộ nhanh hơn Bắc Ninh về những chỉ tiêu này. Thời gian tới, Bắc Ninh cũng cần phải lưu ý đẩy nhanh hơn nữa các chỉ số trên.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng vào cuộc. Đặc biệt, Bắc Ninh chú trọng giữ vững những chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh tăng điểm; đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa những chỉ số giảm điểm.

Cụ thể, Bắc Ninh đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT –TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 về việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc gắn với cải thiện chỉ số PCI. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Đồng thời xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Hương Giang khẳng định, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện những nội dung chi tiết nâng cao chất lượng phục vụ tại trung tâm hành chính công như: Phiếu đăng ký làm thủ tục hành chính, giấy hẹn có thông tin liên lạc của cán bộ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính để người dân liên lạc trở lại khi cần; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, qua đó giảm các chi phí phát sinh không chính thức. Đồng thời, thực hiện hiệu quả hệ thống tiếp nhận hỏi – đáp, hình thành tổng đài chung, khi người dân, doanh nghiệp có thắc mắc.

“Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận các thủ tục hành chính, nguồn lực đất đai, miễn giảm thuế, ưu đãi đầu tư… đẩy mạnh các kênh tham vấn, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các sở, ngành, địa phương tăng cường lắng nghe với tinh thần tận tâm trong tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp và tuyên truyền hoạt động của tổ công tác thông qua mở chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử tỉnh", bà Nguyễn Hương Giang cho biết thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng nhấn mạnh một trong những giải pháp quyết liệt nâng cao chỉ số PCI là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy các sáng kiến mới, tạo chuyển động trong cả hệ thống để thực thi tốt tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh ở cấp dưới.

Riêng đối với những chỉ số thành phần giảm điểm, tỉnh yêu cầu các ngành tập trung giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp. Cụ thể, với chỉ số gia nhập thị trường, Bắc Ninh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản luật, rà soát các quy trình thủ tục gia nhập thị trường của từng ngành, đơn vị và quy định của Chính phủ. Đồng thời, rà soát các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị đã công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, thường xuyên cập nhật các thay đổi trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính; triển khai thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở một số thủ tục hành chính phát sinh nhiều giao dịch.

Với chỉ số đào tạo lao động, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hàng năm và 5 năm theo quy định; thực hiện tốt đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề; phát triển và liên kết mạng lưới dạy nghề, dịch vụ việc làm.

“Chúng tôi đẩy mạnh thực hiện các quy định pháp luật đồng bộ để giải quyết các tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp đã diễn ra trong thời gian dài, nhằm tạo thuận lợi, xây dựng hình ảnh môi trường kinh doanh của Bắc Ninh an toàn, thân thiện, để Bắc Ninh thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định.

Thanh Thương - Thái Hùng - Quang Nhiều (TTXVN)
Bắc Ninh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Bài 2: 'Chữa bệnh' cho doanh nghiệp
Bắc Ninh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Bài 2: 'Chữa bệnh' cho doanh nghiệp

Để tỉnh Bắc Ninh trở thành "miền đất hứa" cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có những "phương thuốc" hữu hiệu, trong đó nổi bật nhất là mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN