Bắc Ninh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Bài 2: 'Chữa bệnh' cho doanh nghiệp

Để tỉnh Bắc Ninh trở thành "miền đất hứa" cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có những "phương thuốc" hữu hiệu, trong đó nổi bật nhất là mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp".

Mô hình này đã đem lại hiệu quả, là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chú thích ảnh
 Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

"Miền đất hứa" của các doanh nghiệp

Công ty Trách nhiệm hữu hạn ITM Việt Nam, có địa chỉ tại Khu công nghiệp VSIP, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập tháng 4/2014. Đến nay, Công ty đã mở rộng sản xuất với 3 nhà máy, số vốn đầu tư 58 triệu USD, chuyên sản xuất bảng mạch bảo vệ pin và mạch tích hợp bán dẫn cho điện thoại di động, phục vụ các tập đoàn sản xuất điện thoại lớn ở nước ngoài.

Ông Jin Juhyung, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn ITM Việt Nam chia sẻ, trước khi chọn Bắc Ninh là điểm đến, Công ty đã đi khảo sát ở một số địa phương. Khi đến Bắc Ninh, lãnh đạo công ty thực sự "ấn tượng" với mảnh đất này, bởi nơi đây có vị trí thuận lợi về địa lý, nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của Công ty. Đặc biệt, các thủ tục hành chính của tỉnh Bắc Ninh được đơn giản hóa, hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây chính là lý do Ban lãnh đạo Công ty quyết định chọn Bắc Ninh là điểm đến để đầu tư.

Tương tự, sau 1 năm khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư, năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Funing Presicion Component đã quyết định chọn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để phát triển ngành điện tử. Ông Zhuo Xian Hong, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Funing Presicion Component cho biết, Công ty quyết định chọn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là nơi để sản xuất, kinh doanh bởi hai địa phương này có vị trí gần với Trung Quốc, thuận tiện cho việc liên kết giao thương, vận chuyển hàng hóa.

"Trong những năm gần đây, môi trường đầu tư của tỉnh Bắc Ninh đã thay đổi và có sự cải thiện đáng kể. Tôi nghĩ, công lớn thuộc về lãnh đạo tỉnh bởi họ đã đưa ra những định hướng, chính sách đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư. Đặc biệt, Bắc Ninh đã bứt phá trong thu hút đầu tư về ngành điện tử và công nghiệp phụ trợ. Thực tế được chứng minh khi Bắc Ninh đã tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn, có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn", ông Zhuo Xian Hong chia sẻ.

Theo ông Zhuo Xian Hong, trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, Công ty luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, nhất là của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Đơn cử, Ban Quản lý luôn lắng nghe, tạo điều kiện giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ về yếu tố năng động, tiên phong của các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam chia sẻ, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh luôn lắng nghe ý kiến và hỗ trợ tối đa cho Công ty. Khi Công ty gặp khó trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng hạ tầng giao thông và gặp vướng mắc về các thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe và giải quyết thấu đáo mọi ý kiến, kiến nghị của Công ty. Đây là yếu tố then chốt giúp Công ty gắn bó lâu dài và mở rộng đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh.

'Bác sĩ doanh nghiệp'

Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, trước đây ở Bắc Ninh, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp chưa được các sở, ban, ngành giải quyết một cách thấu đáo và cũng không có cơ quan giúp UBND tỉnh theo dõi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp. Trước thực tế đó, đầu năm 2016, tỉnh Bắc Ninh đã cho ra đời mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp" để giải quyết bài toán này.

Ông Nguyễn Phương Bắc lý giải, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được ví như trạng thái "mắc bệnh" và việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được ví như "chữa bệnh" của người bác sĩ. Do đó, "Bác sĩ doanh nghiệp" là mô hình tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Để mô hình này vận hành hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập một tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch tỉnh là Tổ trưởng. Lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội là những "bác sĩ thường trực", bên cạnh đó còn có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Cục thuế... Từ năm 2016 đến nay, các "Bác sĩ doanh nghiệp" đã tiếp nhận và giải quyết trên 300 lượt ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.

Sau khi được thành lập, mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp" đã gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, các doanh nghiệp không kỳ vọng và tin tưởng vào mô hình này, nhất là các doanh nghiệp trong nước. "Khi mô hình Bác sĩ doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp còn e dè và không nghĩ có một cơ quan Nhà nước đến tận doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn và tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng sự thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm đã giúp các "bác sĩ" trở thành "người bạn tri kỷ" của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, họ tin tưởng, thẳng thắn sẻ chia, giúp các "bác sĩ" dễ dàng "bắt bệnh", tìm ra phương thuốc hữu hiệu để "chữa bệnh" cho doanh nghiệp gặp khó", ông Nguyễn Phương Bắc nói.

Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Bình Minh tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Năm 2016, Công ty của ông gặp khó khăn trong việc thuê đất để xây dựng nhà xưởng. Sau quá trình tìm hiểu, ông Bình đã tìm đến mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp" để được tư vấn. Nhận được thông tin, các "bác sĩ" đã vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho Công ty. Kết quả, sau 15 ngày, Công ty đã nhận được Quyết định của UBND tỉnh về việc cho phép thuê đất phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nói về sự thành công của mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp", ông Nguyễn Phương Bắc chia sẻ, đây là mô hình tương tác hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp trong bối cảnh tỉnh Bắc Ninh thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Thành công đó đã đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp năng động của cả nước.

Bài cuối: Mở cơ hội vàng đón dòng vốn đầu tư

Quang Nhiều - Thái Hùng - Thanh Thương (TTXVN)
Bắc Ninh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Bài cuối: Mở cơ hội vàng đón dòng vốn đầu tư
Bắc Ninh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - Bài cuối: Mở cơ hội vàng đón dòng vốn đầu tư

Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, mạnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bên cạnh những yếu tố khách quan, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư. Nhờ vậy, đến nay Bắc Ninh giữ vững vị thế là "thỏi nam châm thu hút đầu tư" của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN