Bắc Giang: Nhiều diện tích bạch đàn bị khô lá chưa rõ nguyên nhân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang, đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 324 ha bạch đàn bị bệnh khô lá chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, tập trung ở các huyện có diện tích rừng lớn như Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.

Chú thích ảnh
Rừng bạch đàn bị bệnh khô lá tại xã Canh Nậu (Yên Thế). Ảnh: baobacgiang.com.vn

Ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết, các giống bạch đàn bị nhiễm bệnh chủ yếu thuộc dòng: PN14, UP99, PNCT3. Bệnh ban đầu xuất hiện ở những lá già, các cành dưới tán, sau đó lan dần lên các cành phía trên ngọn. Lá cây bị vàng, rồi khô đi khiến cây không quang hợp được dẫn đến chết dần. Tuy nhiên, hiện nay chưa xác định được cây bị nhiễm bệnh là do nguồn giống hay do sâu bệnh.

Trước tình hình trên để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh trên cây bạch đàn, nhằm  hạn chế bệnh phát sinh, phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang đã mời các chuyên gia thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học Hàn Lâm Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp… về để khảo sát tình hình, lấy mẫu lá cây, đất để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Dự kiến đến ngày 23/12 sẽ có kết quả nguyên nhân gây bệnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, trong khi chờ kết quả chính xác nguyên nhân gây bệnh trên cây bạch đàn, để hạn chế bệnh không lây lan, trước mắt Sở giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn cho người, dân đối với diện tích rừng bị khô lá cần chặt bỏ cây chết, thu gom các cành lá khô, vệ sinh đem ra khỏi rừng đốt tiêu hủy.

Với diện tích rừng bị nhiễm bệnh nhẹ cần tỉa cành, loại bỏ lá khô và đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc. Với những rừng đã đến kỳ thu hoạch cần tiến hành khai thác và trồng thay thế bằng một loại giống cây lâm nghiệp khác. Sở cũng khuyến cáo người dân không trồng rừng bằng dòng bạch đàn PN14 trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng trong việc lựa chọn cây giống chất lượng, quan tâm xử lý đất, phát dọn thực bì, làm tơi xốp đất.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố có rừng trồng bạch đàn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp phòng trừ đối với diện tích rừng bạch đàn đã và đang bị bệnh; triển khai các biện pháp phòng bệnh đối với khu vực lân cận.

Các chủ rừng chủ động kiểm tra diện tích rừng thuộc quyền quản lý nhằm phát hiện bệnh hại, báo cáo với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Bắc Giang có hơn 166.000 ha đất quy hoạch trồng cây lâm nghiệp; trong đó, khoảng 40.000 ha rừng trồng bạch đàn, chủ yếu  là  các giống U6, PN14.

Thúy Thúy (TTXVN)
Hồ tiêu vàng lá chết hàng loạt, hàng nghìn hộ nông dân điêu đứng
Hồ tiêu vàng lá chết hàng loạt, hàng nghìn hộ nông dân điêu đứng

Nông dân trồng tiêu khắp tỉnh Đắk Nông đang bất lực nhìn vườn cây chết dần chết mòn. Giấc mộng tỷ phú nhờ loại nông sản được mệnh danh là “vàng đen” tan tành, chỉ còn lại những khoản nợ tiền tỷ không biết lấy đâu ra để trả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN