Nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp thuế sẽ giúp có lợi cho sản xuất trong nước, nhưng sản phẩm đến tay người nông dân sẽ bị đội giá. Do vậy, về lâu dài, cần phải có giải pháp khác tối ưu hơn, giúp cân bằng lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bảo vệ sản xuất trong nước Căn cứ theo Quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 VND/tấn. Biện pháp thuế tự vệ tạm thời sẽ kéo dài không quá 200 ngày và chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Dây chuyền sản xuất DAP của nhà máy lớn nhất khu vực Tây Bắc tại Lào Cai. Ảnh: Lục Hương Thu/TTXVN |
Theo đánh giá từ Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Văn Thanh, việc áp thuế tự vệ sẽ có lợi cho phân bón trong nước. Các doanh nghiệp trong nước sẽ chủ động được nguồn cung, không phụ thuộc vào nguồn DAP và MAP nhập khẩu. Đây được coi là lợi thế số 1. Một quốc gia khi chủ động được nguồn cung sẽ không bị động trong sản xuất, còn nếu phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ rất nguy hiểm.
Với sản xuất trong nước, đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Áp thuế tự vệ là có lợi vào thời điểm này, sẽ cung ứng kịp thời lượng phân bón cho thị trường. Việc áp thuế sẽ tạo điều kiện vực dậy các doanh nghiệp sản xuất DAP (Xơ sợi Đình Vũ, DAP 2 Lào Cai) đang thua lỗ. Việc áp thuế cũng đúng với quy định pháp luật, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…
Ngoài ra, về bình ổn cơ cấu doanh nghiệp sản xuất trong nước, Việt Nam cũng phải có đối trọng để kìm hãm việc nhập khẩu phân bón đang gia tăng. Có thể có thời điểm nhập khẩu phân bón giá rẻ, nhưng có thời điểm, nhập khẩu phân bón giá đắt. Nên về lâu dài, với việc áp thuế tự vệ từ doanh nghiệp đến người nông dân cũng được hưởng lợi, ông Thanh cho biết thêm.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam, khi áp dụng phòng vệ thương mại sẽ đảm bảo việc chống bán phá giá của nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là từ phía Trung Quốc, giúp phần nào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.
“Tất nhiên khi áp thuế tự vệ thì đối với các nhà sản xuất trong nước sẽ được hưởng lợi, còn với nhà nhập khẩu đương nhiên là gặp khó khăn vì giá thành nhập đầu vào sẽ bị cao hơn. Nhưng đối tượng cần quan tâm nhất là người nông dân, họ có được hưởng lợi không, hay sẽ là người chịu thiệt thòi…”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng, để việc áp thuế không gây ảnh hưởng lớn đến người nông dân thì các nhà sản xuất khi được Chính phủ hỗ trợ về cơ chế chống bán phá giá thì giữ nguyên giá thành hoặc hạ giá cho người tiêu dùng. Nhưng khi áp dụng tự vệ chính thức, nếu không xác định mọi khía cạnh tác động thì có khả năng xảy ra là nhu cầu thị trường xuất hiện khan hàng giả và các nhà sản xuất đẩy giá lên.
Do vậy, đồng thời với việc Chính phủ áp thuế, các hàng rào thuế quan thì cũng nên rà soát lại cơ chế giá của các đơn vị trong nước để tránh tình trạng: khi áp thuế nhập khẩu để hạn chế nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam thì các đơn vị trong nước lại mượn cơ hội đẩy giá lên cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo ông Hùng, phải tiến hành song song, vừa có thể áp dụng phòng vệ thương mại vừa quản lý chặt khâu sản xuất, bán hàng trong nước để tránh chuyện độc quyền, tăng giá.
Cần giải pháp hài hòa lợi ích Theo các chuyên gia, việc áp thuế tự vệ tạm thời chỉ là giải pháp tình thế, mà về cơ bản không thể giải quyết những vướng mắc, khó khăn của ngành phân bón và các doanh nghiệp. Bởi dù muốn hay không thì nông dân phải mua phân bón, đó là nhu cầu, mà nguồn hàng thì ngoài sự chủ động cung ứng từ phía doanh nghiệp trong nước, còn đến từ hàng nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá, áp thuế tự vệ thương mại là tình thế, có tác dụng lớn với các doanh nghiệp như Đình Vũ và Lào Cai. Trong khi đó, áp thuế sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất NPK và người nhập khẩu. Giá nhập khẩu tăng thì doanh nghiệp phải bán giá tăng lên.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với công suất thiết kế khoảng 660.000 tấn DAP/năm thì doanh nghiệp Việt cung cấp được khoảng 80% nhu cầu. Nhưng hiện nay công nghệ sản xuất còn chưa tiên tiến, đồng bộ, nên khi sản xuất ra thì không đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế là trên 62% hàm lượng dinh dưỡng, mà chỉ đạt dưới 60%. Trong khi nguồn DAP nhập khẩu từ nước ngoài như của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... có chất lượng cao hơn.
Muốn giải quyết triệt để vấn đề lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân thì phải sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế. Vì áp dụng theo luật này đã vô tình làm các sản phẩm phân bón nhập khẩu đã rẻ càng rẻ hơn, ông Thúy kiến nghị.
Ông Thúy phân tích thêm, đang có sự khác nhau giữa mức thuế VAT 0% và không phải chịu thuế VAT. Một khi nằm trong danh mục chịu thuế VAT (0% hay 5%), doanh nghiệp vẫn là đối tượng chịu thuế nên phải kê khai thuế VAT đầu ra và được hoàn thuế VAT đầu vào.
Nếu thuế VAT giảm từ 5% còn 0%, doanh nghiệp có thể giảm giá bán phân bón cho người tiêu dùng 5%. Nhưng với quy định phân bón không phải chịu thuế VAT, cả doanh nghiệp và nông dân đều thiệt bởi doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào và buộc phải tính vào giá thành sản phẩm, đẩy giá phân bón lên cao nên rất khó có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Đây cũng là lý do khiến cho thời gian qua, lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh.
Ông Thuý cho rằng, có thể thực hiện 2 giải pháp song song: vừa thực hiện giảm VAT về 0% và đồng thời hai nhà máy sản xuất DAP của Việt Nam phải nghiên cứu nâng chất lượng sản phẩm, như vậy, cả doanh nghiệp và người nông dân mới có lợi ích…