Ảnh hưởng dịch bệnh, tiêu thụ xi măng của VICEM giảm hơn 20%

Tính riêng quý III/2021, tiêu thụ xi măng trong nước của toàn xã hội chỉ đạt khoảng 11,77 triệu tấn, giảm 23,7% so với cùng kỳ; trong đó VICEM đạt 3,96 triệu tấn giảm 20,8% so với cùng kỳ và chỉ bằng 71,5% so với kế hoạch đề ra. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh học: Hoàng Nguyên/TTXVN

Trong số 7 đơn vị sản xuất của hệ thống VICEM, chỉ có 2 thương hiệu là VICEM Hải Phòng và VICEM Hoàng Thạch có sản lượng bằng và cao hơn cùng kỳ. Các thương hiệu còn lại có sản lượng tiêu thụ thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt VICEM Hà Tiên 1 và VICEM Hạ Long do thị trường tiêu thụ nằm trong địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam nên thấp hơn nhiều so cùng kỳ 2020.

Tổng công ty VICEM và các đơn vị thành viên đã triển khai nhiều giải pháp thích ứng để vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh nhưng ảnh hưởng từ khó khăn do dịch bệnh vẫn khiến lợi nhuận trước thuế quý III của toàn VICEM chỉ đạt 3,2% kế hoạch quý và bằng 2,4% so cùng kỳ; trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ giảm 62% so với cùng kỳ...

Theo VICEM Bút Sơn, các thị trường cốt lõi của đơn vị này đều nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt là Hà Nội, từ ngày 24/7 đến 21/9 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nên các công trình xây dựng phải ngừng thi công. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ tại các địa bàn lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh… cũng bị giảm do khó khăn trong vận chuyển xi măng, ảnh hưởng bởi việc kiểm soát phương tiện vận tải, tăng chi phí xét nghiệm COVID-19 cho lái xe... 

Công ty VICEM Hoàng Mai chia sẻ, doanh nghiệp phải thuê phương tiện vận tải hàng đi tiêu thụ tại các địa bàn xa nhà máy như Quảng Bình, Quảng Trị… Nhưng từ giữa tháng 7, tỉnh Hà Tĩnh kiểm soát chặt phương tiện vận tải để phòng chống dịch và cuối tháng 8 tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện giãn cách tại hầu hết các huyện trong đã khiến doanh nghiệp thêm khó khăn. 

Khó khăn nhất là VICEM Hà Tiên do TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải thực hiện giãn cách từ tháng 7 kéo dài đến tận cuối tháng 9. VICEM Hạ Long có trạm nghiền đặt phía Nam nên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề...

Trong khi hầu hết các đơn vị của VICEM đều "bế tắc" trong khâu vận tải cả đường bộ và đường thủy thì xuất khẩu xi măng của toàn Tổng công ty cũng bị sụt giảm do thị trường xuất khẩu chính là Philippines và Trung Quốc gặp khó khăn vì đúng vào thời điểm mùa mưa bão, cước tàu biển tăng cao mà muốn thuê được cũng khó.

Bước sang quý IV, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và trùng vào thời điểm mưa bão nhưng VICEM vẫn quyết tâm cao nhất để vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả. 

Tổng giám đốc VICEM Lê Nam Khánh yêu cầu các đơn vị trong Tổng công ty tiếp tục thực hiện triệt để giải pháp phòng chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát thiết bị và thông số công nghệ của hệ thống lò nung; duy trì thiết bị hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo chất lượng sản phẩm; tiết giảm định mức tiêu hao. 

VICEM sẽ cân đối việc huy động năng lực thiết bị hợp lý, tiến hành cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa, tối ưu hóa các điều kiện hoạt động của thiết bị nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả trong sản xuất; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phát huy tối đa năng suất thiết bị, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường.

Theo ông Khánh, VICEM sẽ bám sát tình hình thực tế thị trường tiêu thụ của các công ty; tư vấn, hỗ trợ, phối hợp xây dựng kịch bản chi tiết về cơ cấu sản phẩm, địa bàn… để điều hành linh hoạt nhằm đảm bảo đẩy mạnh tiêu thụ, đạt hiệu quả kinh tế. 

Bên cạnh đó, VICEM tiếp tục rà soát, cân đối hợp lý dòng tiền của Công ty mẹ, hỗ trợ các đơn vị thành viên gặp khó khăn về tài chính; đồng thời tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình xử lý các tồn tại về tài chính, đặc biệt là vật tư tồn kho ứ đọng.

Thu Hằng (TTXVN)
Đối mặt áp lực, tiêu thụ xi măng linh hoạt thích ứng
Đối mặt áp lực, tiêu thụ xi măng linh hoạt thích ứng

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 9 tháng của năm 2021 ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đạt khoảng 77,47 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN