Mục tiêu của các hãng hàng không
Theo các chuyên gia hàng không, tại Việt Nam, an toàn bay là ưu tiên cao nhất, đào tạo an toàn bay là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không nội địa. Đây cũng là nền tảng cốt lõi trong mọi hoạt động của các hãng hàng không.
Khi khai thác bay, các chuyến bay của các hãng hàng không sẽ phải tuân thủ một loạt quy định nghiêm ngặt về an toàn bay của hãng, cũng như của các tổ chức hàng không quốc tế và Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT).
Nếu máy bay chuẩn bị cất, hạ cánh, thời tiết xấu sẽ đe dọa khả năng chạy đà hoặc tiếp đất của máy bay. Vậy nên, đều đặn 6 tiếng/lần, 4 lần/ngày, cơ quan Khí tượng Hàng không sẽ cập nhật dự báo thời tiết cụ thể tại các sân bay đến, đi cho các hãng hàng không. Dựa trên số liệu đó, Trung tâm Điều hành khai thác (OCC) đưa ra phương án cất/hạ cánh cho các chuyến bay trong khung giờ tiếp theo.
Theo Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường vận tải hành khách hàng không Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 ghi nhận sự hồi phục, tăng 41,8% so với năm ngoái. Trong số đó, số lượng hành khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển tăng 20,1%. Lượng khách quốc tế do các hãng nội địa vận chuyển tăng vọt tới 424,2%, trong khi lượng hành khách nội địa giảm nhẹ 4,4% so với năm 2022.
Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của việc đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác, các hãng hàng không nội địa như như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet, Vietravel Airlines... luôn chú trọng việc tuyển dụng, đào tạo và tái thẩm định khắt khe, theo đúng tiêu chuẩn và quy định được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn cho toàn bộ đội ngũ khai thác máy bay.
Đơn cử, để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong khai thác bay, Bamboo Airways đã xây dựng hệ thống an toàn chất lượng, nhằm tuân thủ và đáp ứng các quy định khắt khe của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam, các nhà chức trách Hàng không và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Hàng năm, hãng đều trải qua các cuộc đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam (kiểm tra an toàn tối thiểu MARI, gia hạn chứng chỉ Nhà khai thác AOC), các cuộc đánh giá của các Nhà chức trách nước ngoài cũng như đánh giá của IATA. Hãng chủ động nghiên cứu và rà soát các vấn đề được phát hiện trong quá trình đánh giá, coi đây là cơ hội để không ngừng cải tiến hệ thống an toàn chất lượng của hãng.
Song song với việc đáp ứng tiêu chuẩn khai thác của các nhà chức trách, Bamboo Airways đã và đang không ngừng đẩy mạnh đào tạo chất lượng nguồn nhân lực, điều kiện vật chất và trang thiết bị kỹ thuật. Các hoạt động huấn luyện và chia sẻ thông tin, bài học trong quá trình xử lý khẩn nguy cũng được hãng triển khai nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng an toàn bay. Sau 5 năm đi vào hoạt động đến nay, hãng đã gia hạn thành công 4 lần chứng chỉ đánh giá An toàn Khai thác IOSA của IATA kể từ lần đầu tiên nhận chứng chỉ vào tháng 12/2019. Chứng chỉ IOSA được đánh giá là chứng chỉ quan trọng nhất về an toàn hàng không, với khoảng 1.000 tiêu chuẩn được kiểm định vô cùng nghiêm ngặt.
Về phía Vietjet, hãng đang khai thác đội bay Airbus mới, tiết kiệm nhiên liệu với độ tin cậy kỹ thuật thuộc nhóm dẫn đầu các hãng hàng không khu vực và thế giới; đồng thời, không ngừng đầu tư vào động cơ, dịch vụ bảo dưỡng, các hoạt động chuyển giao, vận hành công nghệ hàng không với các tập đoàn kỹ thuật hàng không đầu ngành như Safran, Rolls-Royce, SR Technics, Swiss-AS… để đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng.
Tương tự, Vietravel Airlines duy trì đội tàu bay có độ tuổi trẻ, trung bình dưới 10 năm tuổi và luôn được đội ngũ kỹ thuật của hãng kiểm tra trước mỗi chuyến bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, bảo trì và bảo dưỡng định kỳ theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất tàu bay theo tiêu chuẩn quốc tế.
Riêng Vietnam Airlines là hãng hàng không có trình độ kiểm soát và thực tế thực hiện an toàn ở mức cao trong IATA khi liên tiếp duy trì đạt chứng nhận an toàn khai thác IOSA lần thứ 10 trong suốt chặng đường gần hai thập kỷ, kể từ khi là thành viên của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế; đạt mức Chủ động (Proactive) 4.0 trên thang điểm 5 về Văn hóa an toàn và được Airlines Rating đánh giá mức tối đa 7/7 về cấp độ an toàn...
Xây dựng hình ảnh các hãng hàng không an toàn, thân thiện
Với chủ đề "Lãnh đạo vào cuộc: Thúc đẩy khai thác an toàn và hiệu quả hơn", đây là lần đầu tiên IATA tổ chức sự kiện tổng thể về an toàn nói chung của ngành Hàng không.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành Hàng không nội địa, ngành Hàng không là một trong những động lực của nền kinh tế, thúc đẩy đầu tư giao thương, phát triển du lịch. Chính phủ cũng coi trọng xây dựng hình ảnh các hãng hàng không của Việt Nam an toàn, thân thiện; là sứ giả của thương hiệu, văn hóa, con người và đất nước Việt Nam khi ra trường quốc tế.
Còn theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, ngành Hàng không Việt Nam đã gặt hái được những kết quả tích cực trong lĩnh vực an toàn và khai thác, nổi bật là 25 năm duy trì liên tục không xảy ra tai nạn hàng không thương mại trong bối cảnh ngành Hàng không liên tục tăng trưởng hai con số trong nhiều năm; đạt Chứng nhận của Tổ chức hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) và đạt chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không FAA CAT 1. Các hãng hàng không Việt Nam đều được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đánh giá cấp Chứng nhận an toàn khai thác.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện các hãng hàng không nội địa chia sẻ, các hãng hàng không nội địa không ngừng nỗ lực để đảm bảo hành khách và nhân viên luôn cất cánh cùng những chuyến bay an toàn tuyệt đối và khẳng định sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với mức độ an toàn và hiệu quả khai thác của các hãng hàng không.
Tại Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023, Vietnam Airlines đã đại diện ngành Hàng không cùng IATA ký kết Hiến chương về Văn hóa An toàn; xây dựng nội dung đối thoại với lãnh đạo hãng hàng không, nhà chức trách hàng không, cũng như lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước; bàn luận xung quanh chủ đề xây dựng văn hoá an toàn hàng không...