Cụ thể, thu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) 5.515 tỷ đồng chiếm 13,8% nợ đã bán (39.907 tỷ đồng); Thu nợ đã xử lý rủi ro 6.921 tỷ đồng, chiếm 14,8% nợ đã xử lý rủi ro (46.698 tỷ đồng). Thu và xử lý nợ xấu nội bảng 34.402 tỷ đồng, thu và xử lý nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN, Thông tư 09/2017/TT-NHNN, Nghị định 55/2015/NĐ-CP là 15.093 tỷ đồng.
Ngay sau khi có Nghị quyết 42, Agribank là ngân hàng đầu tiên đưa ra chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể để “giải cứu” nợ xấu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Trịnh Ngọc Khánh cho biết, ngân hàng đã ban hành văn bản về miễn, giảm lãi theo hướng tổng điều chỉnh giảm lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017 (ngày Nghị quyết 42 có hiệu lực).
Đồng thời, Agribank cũng áp dụng cơ chế miễn 100% lãi quá hạn; miễn, giảm lãi đối với khách hàng khó khăn, thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhanh nhất với mức miễn, giảm lãi cao nhất có thể lên tới 100% số lãi tồn đọng. Với chính sách và cơ chế này, số lãi mà Agribank có thể miễn, giảm lên tới vài chục ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Agribank thực hiện cho vay hỗ trợ khó khăn đối với tất cả khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, đã bán.... nay có nguyện vọng, khả năng và điều kiện khôi phục sản xuất, từng bước tạo nguồn trả nợ ngân hàng. Đây có thể coi là chính sách ưu đãi với khách hàng đang có nợ xấu.
Ông Trịnh Ngọc Khánh nhấn mạnh: "Nghị quyết 42 là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, là điều kiện cần, nhưng để thu hồi nợ có hiệu quả, phải có điều kiện đủ đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nội dung Nghị quyết này của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đến toàn hệ thống và toàn thể cán bộ, nhân viên Agribank".