Cụ thể: Phú Thọ 100%, Vĩnh Phúc 100%, Bắc Ninh 100%, Hà Nam 100%, Hưng Yên 100%, Hải Phòng 100%, Thái Bình 100%, Nam Định 99,8%, Ninh Bình 98,8%, Hải Dương 95%, Hà Nội 94,6%.
Các khu vực chưa hoàn thành kế hoạch, tiếp tục có nhu cầu lấy nước từ sông Hồng (nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện) chủ yếu thuộc thành phố Hà Nội, tổng cộng khoảng 1.400 ha: Hoài Đức còn 111 ha (8%), Phúc Thọ còn 477 ha (19%), Thạch Thất còn 811 ha (20%).
Đợt 3 lấy nước bắt đầu từ 0 giờ ngày 13/2, theo kế hoạch sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 17/2 (tổng cộng 5 ngày). Để có nguồn nước bổ sung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện xả gia tăng linh hoạt các hồ thủy điện từ 0 giờ ngày 11/2 (trước 2 ngày).
Tính đến 15 giờ ngày 13/2, mực nước trung bình ngày 13/2 tại Trạm Thủy văn Sơn Tây đạt 2,22 m, cao nhất lúc 12 giờ đạt 2,45 m (mức yêu cầu tại Sơn Tây là 1,8 m).
Với mực nước trong ngày, các công trình thủy lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước, các trạm dã chiến đủ điều kiện vận hành; các cống lấy nước vùng triều có điều kiện vận hành tốt.
Ngoài ra, tổng lượng mưa từ 19 giờ ngày 12/2 đến 15 giờ ngày 13/2 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ từ 5÷12 mm. Một số trạm có mưa lớn như: Hạ Hoà (Phú Thọ) 29 mm, Quảng Cư (Vĩnh Phúc) 23 mm.
Dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trong ngày và đêm nay (13/2), khu vực Bắc Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 15÷30 mm, có nơi trên 40 mm.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tiếp tục vận hành các công trình thủy lợi để cấp nước hoàn thành cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch; đồng thời tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng.
Tổng cục cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có phương án xả nước linh hoạt trong đợt 3 để các địa phương tiếp tục lấy nước và tiết kiệm nguồn nước.