Theo đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỷ đồng cho gần 4,54 triệu lao động…
Ngoài ra, hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỷ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng. Cùng với đó, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt…
Về tình hình triển khai 3, Chương trình mục tiêu quốc gia, trong 8 tháng đầu năm, Chính phủ, Trung ương đã ban hành 84 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, riêng tháng 8 năm 2022 ban hành 7 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đã ban hành theo thẩm quyền 8 văn bản. 44/52 địa phương đã hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thòi gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).
Bên cạnh đó, quán triệt phương châm điều hành những tháng cuối năm “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “01 kiên quyết không” đã được Chính phủ thảo luận trong các phiên họp tháng 6-7/2022. Đồng thời, chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh; tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19; theo dõi chặt chẽ các loại bệnh truyền nhiễm mới phát sinh, chủ động phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xẩy ra. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, chủ động các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát, các cân đối lớn để có phương án ứng phó kịp thời với những tình huống phát sinh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Đồng thời, triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Chương trình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 8 và 8 tháng năm 2022, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn, do biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước.
“Tuy nhiên, nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.