Cùng với đó, các hình thức giao dịch, thanh toán dùng tiền mặt, trả tiền khi nhận hàng được áp dụng phổ biến vẫn đang là trở ngại lớn làm tăng chí phí cho cả xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh là một nhiệm vụ cấp thiết giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Nhiệm vụ cấp thiết
Nhận định về nền tảng để phát triển kinh tế số của Việt Nam hiện nay, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ nhiều con số khá ấn tượng, nhất là khi có tới 53% dân số Việt Nam kết nối internet, 131% dân số sử dụng hệ thống viễn thông…
Đặc biệt, doanh số thương mại điện tử bán lẻ qua các năm phát triển nhanh và mạnh với mức tăng trưởng trung bình 25%/năm. Nếu như năm 2015 doanh số này đạt 4,07 tỷ USD, năm 2016 đạt 5,1 tỷ USD thì đến năm 2017 đã lên tới 6,2 tỷ USD và dự kiến năm 2020 sẽ đạt 10 tỷ USD… là cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển kinh tế số.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, hoạt động chuyển đổi số của Chính phủ trong những năm gần đây được đẩy mạnh thông qua Nghị quyết 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử, bao gồm 3 hạng mục chính. Đó là, phát triển dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc về chỉ số Chính phủ điện tử 2018, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã tăng 11 bậc, xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ về xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI).
Việt Nam là một trong 10 quốc gia đã nhảy vọt từ chỉ số phát triển EGDI từ mức trung bình đến mức cao trong nhóm các nước khu vực ASEAN, xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo khảo sát mới nhất của Bộ Công Thương về tính sẵn sàng ứng dụng các công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp, mặc dù một số doanh nghiệp ngành công nghiệp tiên phong (trong các lĩnh vực như dầu khí, điện…) chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với sự thay đổi của công nghệ, nhưng vẫn có tới 82% doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc. Theo đó, có 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị ban đầu.
“Chuyển đổi số trong ngành công nghiệp nhằm xây dựng nền sản xuất thông minh được đánh giá là động lực quan trọng của phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, có 16/17 ngành khảo sát ưu tiên đều đang có mức sẵn sàng thấp”, ông Đặng Hoàng Hải thừa nhận.
Ông Trịnh Duy Hoàng, Công ty nghiên cứu thị trường Vietanalystic cũng chỉ ra rằng kinh tế số phát triển khá mạnh mẽ tại Việt Nam nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ số chưa cao.
Điều này thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp vẫn thấy công nghệ số là thứ gì đó rất xa lạ, đa phần mới chỉ được nghe nói đến nhưng để ứng dụng kinh doanh nhờ vào công nghệ này vẫn không nhiều doanh nghiệp thực hiện, một phần do chi phí đầu tư.
Theo ông Trịnh Duy Hoàng, nhân lực đang là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mới nổi trong lĩnh vực công nghệ thường tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đi lên từ hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể nên không đủ năng lực, nhân lực để tiếp cận công nghệ trong nền kinh tế số.
Tích hợp giải pháp
Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, nếu phát triển kinh tế số tốt, Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện hơn với các mức chi phí thấp. Bởi, công nghệ mới với tính đột phá sẽ cho phép các chuỗi cung ứng kết nối và phân phối hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu chi phí về hậu cần và giao dịch.
Đánh giá từ giới phân tích cũng chỉ ra rằng, kinh tế số và thương mại điện tử đang làm cho thế giới thu nhỏ lại để các doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn lên, xóa bỏ được các bất lợi cố hữu khi tiếp cận được thị trường toàn cầu.
Dự kiến, đến năm 2020 tại Việt Nam sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, đạt 350 USD/người. Thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu.
Vì vậy, để khai thác mảnh đất nhiều tiềm năng này, nhiều ý kiến cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi đây là mắt xích quan trọng giúp thương mại Việt Nam phát triển.
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử, theo các chuyên gia, tới đây hạ tầng phụ trợ cho thương mại điện tử cần được đẩy mạnh phát triển đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia cũng như tích hợp các giải pháp thanh toán đảm bảo để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử.
Cũng theo các chuyên gia, hạ tầng an toàn, an ninh cho thương mại điện tử cần được củng cố với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch thương mại điện tử; đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.
Mặt khác, Nhà nước phải tạo nên một hệ thống thể chế thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ số trong quá trình đổi mới sáng tạo; đồng thời đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để tạo ra được hạ tầng kĩ thuật cho nền kinh tế số.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng khẳng định, song hành cùng thương mại điện tử, kinh tế số đang diễn ra trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng xử lý các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước và tái cơ cấu trong ngành công thương.
Do vậy, bên cạnh việc tích hợp công nghệ số hóa, doanh nghiệp phải tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh cũng như có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số.
Bởi theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, nếu không nắm bắt được cơ hội, hòa mình vào xu thế thời đại, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua cuộc ngay trên thị trường nội địa thậm chí sẽ phải lùi xuống những thứ bậc thấp hơn trong các chuỗi giá trị.