Với giá trị trên, xuất khẩu lâm sản đạt 36% so với kế hoạch đặt ra; trong đó gỗ và sản phẩm gỗ 5,96 tỷ USD, giảm 29 %; lâm sản ngoài gỗ 455,7 triệu USD, giảm 26,2%.
Theo đó, giá trị xuất siêu ước đạt 5,32 tỷ USD, tương đương 70% so với cùng kỳ 2022.
Theo Cục Lâm nghiệp, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc 6 tháng đầu năm 2023 đạt 8,806 triệu m3, tương đương 40% kế hoạch năm 2023, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Việc cấp chứng chỉ rừng đạt khoảng 29.500 ha (đạt 29,5% kế hoạch năm 2023) và 30.000 ha đã đánh giá xong, chờ cấp chứng chỉ, nâng tổng số diện tích rừng có chứng chỉ lên 438,5 ha trên 32 tỉnh trong cả nước.
Cùng với khai thác, ngành đã chuẩn bị được khoảng 600 triệu cây giống các loại phục vụ cho kế hoạch trồng rừng năm 2023. Diện tích rừng trồng mới tập trung nửa đầu năm đạt khoảng 124.000 ha, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước; chăm sóc rừng trồng đạt 384.700 ha, tăng 1,2%; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 108.679 ha, tăng 11,7%; trồng cây phân tán khoảng 45,9 triệu cây, tăng trên 5%.
Bên cạnh đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được ngành triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ rừng, tăng thu nhập cho người dân, các đơn vị tham gia bảo vệ rừng. Trong 6 tháng, cả nước đã thu được 1.416,16 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch thu năm 2023 và bằng 94,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên Chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhất là ở các thị trường chính Hoa Kỳ và châu Âu khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ gặp khó khăn trong việc ký kết và thực hiện các đơn hàng.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp như: chi phí logistic tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao... Cùng với đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Do vậy, đã ảnh hưởng tới thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt khoảng 17,5 tỷ USD và có tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp đạt khoảng 5%, ngành lâm nghiệp tiếp tục rà soát và tổ chức triển khai hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án. Đặc biệt là Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (6 tỉnh). Ngành sẽ hoàn thành trình Chính phủ ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Về xuất khẩu, ngành lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ; tập trung thực hiện phối hợp trong việc ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro.
Đồng thời, bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023; phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế; các hiệp định đã ký kết.