53% số doanh nghiệp Quảng Ninh cần 'mối quan hệ' để xin tài liệu, vẫn... thấp nhất cả nước

Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 được công bố sáng 28/3 không có nhiều thay đổi trong danh sách các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước so với năm 2017. Tiến độ cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được Quảng Ninh duy trì, giúp tỉnh này lần thứ 2 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng.

Lý do giúp Quảng Ninh trở thành quán quân

Với 70,36 điểm trên thang điểm 100, đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Quảng Ninh đạt ngôi vị quán quân trong bảng xếp hạng PCI.

Chú thích ảnh
Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long. Ảnh: Tiến Hiếu

Trong năm qua, 60% doanh nghiệp trả lời điều tra PCI tại Quảng Ninh cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định và 74% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản. Đây là con số cao nhất cả nước.

Bên cạnh đó, một trong những lĩnh vực được doanh nghiệp, các nhà đầu tư khá hài lòng là thủ tục hành chính đất đai. Có 65% doanh nghiệp của Quảng Ninh từng thực hiện thủ tục hành chính đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp khó khăn. Quảng Ninh cũng đứng đầu cả nước về chỉ tiêu này.

Sức nóng cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được Quảng Ninh duy trì qua nhiều nỗ lực, trong đó có việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, thành phố.

Đồng thời, môi trường kinh doanh của Quảng Ninh đang thay đổi theo hướng minh bạch hơn. Chỉ 53% doanh nghiệp cho biết cần có "mối quan hệ" để có được các tài liệu của tỉnh, đây là con số thấp nhất so với các tỉnh, thành phố còn lại trên cả nước.

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng PCI 2018 là Đồng Tháp, một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Năm nay, tỉnh này phá vỡ kỷ lục của chính mình khi đạt 70,19 điểm và xác lập năm thứ 11 liên tiếp nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước.

Năm 2018, có tới 92% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI tại Đồng Tháp đánh giá cán bộ tỉnh này có thái độ thân thiện trong quá trình giải quyết công việc, 90% nhận thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả - hai chỉ tiêu này của Đồng Tháp cao nhất cả nước. Đồng thời, các doanh nghiệp Đồng Tháp cho biết đang được hoạt động trong môi trường kinh doanh bình đẳng nhất so với các tỉnh, thành phố khác.

Sự vận hành hiệu quả của bộ máy chính quyền của địa phương vốn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng giúp Đồng Tháp xây dựng thương hiệu địa phương theo ý tưởng giản dị, gần gũi.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc dự án PCI, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long luôn nằm trong top đầu của bảng xếp hạng trong nhiều năm gần đây. Long An (68,09 điểm) và Bến Tre (67,67 điểm), hai tỉnh giữ vị trí thứ 3 và 4 trên bảng xếp hạng đều tăng 1 bậc so với năm 2017.

Chú thích ảnh
Bảng xếp hạng PCI 2018. Nguồn: VCCI

TP Đà Nẵng được các doanh nghiệp đánh giá có cải thiện trong việc giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại thành phố này sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở ngành, huyện thị có sự gia tăng. Do đó thành phố này mất ngôi á quân năm 2017, rớt xuống vị trí thứ 5.

Cuối bảng xếp hạng lần lượt là 3 tỉnh Bình Phước, Lai Châu và Đắk Nông. Tuy nhiên hầu hết các tỉnh này đều có sự cải thiện đáng kể về điểm số so với năm 2017. VCCI nhận định các tỉnh này đã vượt qua chính mình một cách mạnh mẽ trong năm vừa qua.

Hà Nội lần đầu lọt Top 10

TOP 10 PCI cả nước lần đầu tiên có sự góp mặt của Thủ đô Hà Nội (65,39 điểm) tại vị trí thứ 9 với bước chuyển rõ rệt về chất lượng bộ phận một cửa trong đăng ký doanh nghiệp, xếp trên TP Hồ Chí Minh 1 bậc. 71% doanh nghiệp tại Hà Nội đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn (năm 2017 là 57%); 86% cho biết cán bộ nhiệt tình, thân thiện (năm 2017 là 53%).

Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ trên 3 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức đi vào hoạt động đã giảm mạnh từ 17% của năm trước đó, xuống còn 5% trong năm vừa qua. Năm 2018 là năm Hà Nội đẩy mạnh đối thoại doanh nghiệp ở các cấp huyện, thị, do vậy những vướng mắc, bức xúc của doanh nghiệp đã có kênh giải tỏa khá hiệu quả.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, 67% doanh nghiệp cho biết được tháo gỡ vướng mắc kịp thời (năm 2017 là 57%); 87% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết, phản hồi của các cơ quan chính quyền tại Hà Nội (tăng 22% so với năm 2017).

Chia sẻ bên lề lễ công bố PCI, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Constrexim chuyên về bất động sản cho biết: "Tôi mong cơ chế chính sách về đất đai của thành phố được cải cách hơn nữa, việc giao đất cho ai, đấu thầu như thế nào cần phải công khai minh bạch hơn. Nạn tham nhũng vặt vẫn gây những khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi. Quyết tâm của Đảng và Chính phủ dù rất mạnh mẽ nhưng những người thi hành công vụ không thực hiện, không bứt phá trong tư duy, hành động thì hiệu quả đạt được cũng không cao".

Chú thích ảnh
Ông Đậu Anh Tuấn trình bày báo cáo PCI 2018. Ảnh HD

Theo ông Đậu Anh Tuấn, vẫn có sự chững lại của các tỉnh, thành phố thuộc top đầu. Bản thân quán quân là tỉnh Quảng Ninh cũng chưa có nhiều bứt phá so với những năm trước. Do đó, chính quyền các tỉnh, thành phố cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt được sự thay đổi ấn tượng.

Kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng.

Báo cáo đánh giá PCI 2018 do VCCI phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện công bố. Đây là năm thứ 14 liên tiếp VCCI và USAID công bố bộ chỉ số này.

PCI được xây dựng nhằm đánh giá về môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Năm 2018 đã có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh từ 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 20 tỉnh, thành phố tham gia trả lời điều tra PCI.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
PCI của 10 địa phương đứng đầu năm 2017 trong 10 năm qua
PCI của 10 địa phương đứng đầu năm 2017 trong 10 năm qua

PCI của 10 địa phương đứng đầu năm 2017 đã có nhiều thay đổi trong 10 năm qua. Trong 10 địa phương, Đà Nẵng 7 năm giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN