Để hiểu rõ hơn, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.
Việt Nam đã trải qua 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Xin ông đánh giá những mặt được và chưa được của thu hút FDI thời gian qua?
Có thể nói, sau 30 năm đổi mới, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành thành phần kinh tế không thể thiếu của nền kinh tế Việt Nam. Khu vực FDI đã đóng góp vào sự tăng trưởng, đặc biệt là sự thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu của kinh tế Việt Nam. Với sự xuất hiện của Sam sung, Canon và một số Tập đoàn, doanh nghiệp lớn nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua khiến những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chứa đựng hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thu hút FDI đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút FDI còn gặp nhiều khó khăn. Theo tôi, khó khăn nhất là mặt tư tưởng với một nền kinh tế đóng và coi trọng kinh tế Nhà nước. Do vậy, trong giai đoạn đầu, chúng ta khó có thể chấp nhận các nước tư bản vào Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh và còn được đối xử ngang bằng với thành phần kinh tế của Nhà nước - khu vực quốc doanh. Bên cạnh đó, trong quá trình thu hút FDI, những ưu đãi cho đầu tư FDI là ưu đãi quá mức. Đây là khó khăn lớn nhất.
Một vấn đề nữa, đó là sự kết nối giữa đầu tư FDI với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nhược điểm lớn nhất trong thu hút FDI hiện nay. Sự kết nối này kể cả ở thượng nguồn và hạ nguồn rất hạn chế. Cho nên, tác động của các doanh nghiệp FDI tới doanh nghiệp trong nước là chưa lớn.
Ông có thể cho biết, những dấu ấn trong việc tạo dựng môi trường pháp lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam?
Khi bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa đối với thế giới bên ngoài, chúng ta đã chú ý và coi trọng thu hút dòng vốn FDI. Sự coi trọng đó là việc thành lập Ủy ban Hợp tác vốn đầu tư nước ngoài. Sau đó, Ủy ban hợp nhất với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thành Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thể hiện rõ nét nhất khi đó là có 2 đạo luật: Luật Đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài. Hai Luật này độc lập với nhau và quy định ở những điều khác nhau. Nhưng dần dần chúng ta nhận thấy việc tồn tại 2 Luật trên còn bất hợp lý. Về mặt luật pháp, chúng ta đã hợp nhất 2 luật đó với nhau, trở thành 1 luật duy nhất, đó là Luật Đầu tư. Qua đó, thể hiện sự không phân biệt giữa các nguồn vốn đầu tư theo nguyên tắc hội nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sau khi hợp nhất 2 Luật này với nhau, chúng ta còn tiến hành điều chỉnh, sửa đổi Luật Đầu tư để phù hợp với hội nhập quốc tế và sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây là điểm đáng lưu ý về mặt nhận thức và dần dần được sáng tỏ về thu hút đầu tư FDI.
Xin ông có thể cho biết, những dấu mốc nào của Việt Nam là bước ngoặt trong thu hút FDI?
Dòng vốn FDI lớn nhất có thể kể đến là thời điểm Việt Nam chuẩn bị được kết nạp vào WTO lúc đó, đầu tư FDI ồ ạt được đổ vào Việt Nam. Việc chuẩn bị gia nhập WTO chính là thời điểm báo hiệu cho nhà đầu tư FDI biết Việt Nam với môi trường đầu tư thuận lợi.
Dấu mốc thứ 2 đó là khi Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có rất nhiều nhà đầu tư FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó, là ký Hiệp định Thương mại tự do với Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ của ASEAN… Nhìn lại quá trình thu hút FDI cho thấy, mỗi khi Việt Nam có những dấu mốc quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế, dòng vốn đầu tư FDI lại được đổ vào.
Thưa ông, ông có cho rằng việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định phân cấp cho các địa phương được trực tiếp tiếp nhận nguồn vốn FDI cũng là một trong những dấu mốc quan trọng trong thu hút FDI?
Tôi cho rằng, Việt Nam cũng đã tìm mọi cách để mở rộng, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận nguồn vốn đầu tư FDI. Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân cấp cho các địa phương trực tiếp tiếp nhận đầu tư FDI cũng là dấu mốc quan trọng.
Theo tính toán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân cấp như vậy sẽ tạo điều kiện cho các địa phương có thể nắm sát được nhu cầu ở địa phương và mở rộng việc tiếp nhận thu hút đầu tư.
Theo tôi, việc phân cấp này cũng đúng một phần, nhưng ở góc độ khác, tôi thấy có mặt trái bởi tầm nhìn của các nhà quản lý tại địa phương chưa đủ rộng, đặc biệt là sự khao khát đổi mới cơ cấu trong nhiệm kỳ của mình.
Chính vì vậy, nhiều nhà quản lý của địa phương đã tiếp nhận đầu tư FDI bằng mọi giá. Đây là giai đoạn các địa phương tiếp nhận những dự án đầu tư không chất lượng. Tất nhiên, trong giai đoạn đó, vốn đầu tư FDI, đặc biệt là vốn ghi tăng lên rất nhanh, nhưng vốn thực hiện đầu tư còn ít.
Đặc biệt, hiệu quả của các dự án FDI thời gian đó không cao, không những thế còn gây hậu quả cho môi trường, dẫn đến việc cạn kiệt tài nguyên. Nhìn nhận vấn đề này, chúng ta đã điều chỉnh một số quy định chặt chẽ hơn, nhưng vẫn cứ phân cấp.
Đơn cử, chúng ta phân cấp cho các địa phương được tiếp nhận vốn đầu tư FDI ở quy mô nhỏ, còn những dự án lớn ảnh hưởng đến cơ cấu đầu tư chung của nền kinh tế thì phải là vai trò của Trung ương.
Để tăng sức lan tỏa của khu vực FDI đối với nền kinh tế, quan điểm của ông về thu hút FDI thế hệ mới cần những yếu tố nào?
Xu thế phát triển những Hiệp định thương mại tự do gần đây trên thế giới ngày càng nhiều. Để đáp ứng đòi hỏi của nhiều nhóm quốc gia, các quốc gia này cần ký với nhau những Hiệp định thương mại tự do.
Đến nay, Việt Nam đã ký 16 FTA; trong đó có 14 Hiệp định có hiệu lực và chuẩn bị đi vào cuộc sống. Trong số này, có những Hiệp định rất quan trọng như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu và đặc biệt mới đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Theo tôi, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do đã mở ra việc tiếp nhận cũng như đưa đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Như vậy, vấn đề là chúng ta cần tận dụng tối đa những thỏa thuận trong các Hiệp định thương mại tự do; đặc biệt với các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.
Để thu hút FDI một cách bền vững, tôi cho rằng Việt Nam cần phải tận dụng đến mức cao nhất những thỏa thuận trong các Hiệp định thương mại tự do để có thể tiếp nhận đầu tư. Thông qua đó, Việt Nam tiếp cận được những công nghệ hiện đại từ Nhật Bản, EU và các quốc gia tham gia CPTTP.
Xin trân trọng cám ơn ông!