20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị ASPA 21 tại TP Hồ Chí Minh

Từ ngày 19 đến 21/10, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị thường niên Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á lần thứ 21 năm 2017 (ASPA 21) do UBND TP Hồ Chí Minh đăng cai tổ chức.

Hội nghị có sự tham dự của 400 đại biểu, trong đó có 90 đại biểu nước ngoài đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Liên Bang Nga, Butan, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…


Với chủ đề "Công viên khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia", hội nghị thu hút 148 thành viên (trong đó Việt Nam có 3 thành viên ASPA là Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao Hòa Lạc) tham gia thảo luận 5 nội dung trọng tâm gồm: Công viên khoa học trong khoa học sự sống và phát triển công nghệ hướng tới chất lượng cuộc sống tốt hơn; công viên khoa học châu Á: Cơ hội hợp tác phát triển; quỹ đầu tư mạo hiểm cho các công ty khởi nghiệp trong khu công viên khoa học; IoT trong khu công viên khoa học: Một mô hình SmartCity mới; ứng dụng năng lượng tái tạo cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Dung thăm, làm việc tại Công ty TNHH Data Logic Việt Nam (Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh). Ảnh: T.V

Hội nghị ASPA là sự kiện nổi bật thường niên quy tụ các nhà quản lý Khu công viên khoa học - Khu công nghệ cao, nhà khoa học có uy tín và lãnh đạo cao cấp của các tổ chức khoa học - công nghệ trong khu vực châu Á và trên thế giới; đồng thời đây là cơ hội để hợp tác, gắn kết chặt chẽ cộng đồng khoa học và công nghệ châu Á và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giữa các thành viên ASPA.


Phó GS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết ASPA 21 là cơ hội để giao lưu, trao đổi được nhiều mô hình đa dạng, tổ chức mới của các khu công viên khoa học - đô thị khoa học ở châu Á; đồng thời đây là dịp giới thiệu đến bạn bè quốc tế những nỗ lực của TP Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển khoa học và công nghệ, phát triển công nghệ cao để nâng cao chất lượng tăng trưởng, tính cạnh tranh của kinh tế quốc gia theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại, xây dựng nền kinh tế tri thức; đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong cộng đồng.


Trước đó, năm 2012, TP Hồ Chí Minh cũng đã đăng cai tổ chức Hội nghị ASPA lần thứ 16 với trọng tâm khoa học hướng đến công nghệ sản xuất bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời giới thiệu những mô hình sản phẩm công nghệ cao đảm bảo thân thiện với môi trường. Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, qua hội nghị lần thứ 16, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác và xúc tiến đầu tư với các công viên khoa học của Nhật Bản, Hàn Quốc… góp phần thúc đẩy sự phát triển chung trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam nói chung và của TP Hồ Chí Minh nói riêng.


Trong khuôn khổ hội nghị ASPA 21, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh và các khu công nghệ cao thành viên ASPA tham gia trưng bày, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm tiêu biểu đến cộng đồng doanh nghiệp công nghệ cao quốc tế. Ngoài ra, ban tổ chức cũng tổ chức các đoàn tham quan và tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, tham quan các điểm văn hóa, di tích lịch sử trong thành phố.


T.V/Báo Tin Tức
Tổng cục Thuế lên tiếng về chính sách thuế giữa taxi truyền thống với Uber và Grab
Tổng cục Thuế lên tiếng về chính sách thuế giữa taxi truyền thống với Uber và Grab

Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ có chuyện taxi truyền thống phản đối Uber, Grab là do hiện cơ quan chức năng không quản được taxi công nghệ, đồng thời loại hình này đang được ưu đãi về thuế. Chiều 11/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Đại Trí đã liên tiếng vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN