2 tháng, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tăng 7,2%

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết, tính đến 20/2/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Chú thích ảnh
Sản xuất tại Công ty TNHH NMS Việt Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản). Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Cụ thể, có 183 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 45,2% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt gần 631,8 triệu USD, giảm 80,9% so với cùng kỳ; 142 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 23,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ; 400 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 10,1% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp đạt 769,6 triệu USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,13 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,52 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, sản xuất phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 109,6 triệu USD và gần 60 triệu USD.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 28,4%, 27,9% và 12,6% tổng số dự án.

Hiện, đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD, chiếm 34,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 59,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 1,4 tỷ USD, chiếm 28,2% tổng vốn đầu tư, giảm 12% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 538 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư, giảm 29,3% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan…

Nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhất (chiếm 16,9% số dự án mới, 35,9% số lượt điều chỉnh và 36% số lượt góp vốn mua cổ phần).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 2 tháng đầu năm 2022. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Thái Nguyên mặc dù không thu hút được dự án mới, xong với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, Thái Nguyên xếp thứ hai với gần 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Nghệ An, Long An…

Nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội; trong đó, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả về số dự án mới (38,5%), số lượt dự án điều chỉnh (13,4%) và góp vốn mua cổ phần (67,3%).

Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tăng trở lại sau khi giảm nhẹ trong tháng 01/2022. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt trên 41,9 tỷ USD, tăng 12,4 % so với cùng kỳ, chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 41,6 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ, chiếm 72,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Để tăng cường thu hút vốn FDI, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong thời gian tới, các bộ, ngành cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng như các hoạt động ngoại giao để thúc đẩy được Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) sớm có hiệu lực; đồng thời, cần cải thiện môi trường đầu tư, nhất là về nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo có thể đón được các dự án công nghệ cao từ các nước phát triển vào Việt Nam. Về chính sách cũng cần có sự cải thiện hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Cùng với đó đẩy mạnh tính liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt. Từ đó, gia tăng giá trị cũng như hiệu quả của nhà đầu tư tại Việt Nam; đẩy mạnh việc thực thi các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; trong đó, có các hiệp định như: EVFTA, CPTPP…

Thúy Hiền (TTXVN)
Giới chuyên gia đánh giá đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn phát đi tín hiệu tích cực
Giới chuyên gia đánh giá đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn phát đi tín hiệu tích cực

Dù phải đối mặt với một số thách thức do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan trong đầu tư nước ngoài trong năm 2021. Đây là nhận định trong bài viết đăng tải trên trang Vietnam Briefing của công ty Dezan Shira & Associates chuyên về tư vấn đầu tư ở châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN