10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2013

Thông tấn xã Việt Nam điểm lại 10 sự kiện kinh tế quan trọng và nổi bật nhất Việt Nam trong năm 2013.

1 . Vai trò, vị trí của doanh nhân Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp



Mặc dù giải ngân chậm nhưng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội là một trong 10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2013. Ảnh: Hoàng Dương


Tại các kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi. Trong nội dung kinh tế, Hiến pháp xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hoá (Điều 51). Đây cũng là lần đầu tiên vai trò, vị trí của doanh nhân Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp.

2. Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế

"Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020" đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 339/2013-TTg ngày 19/2/2013. Đề án đã tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm như tập trung tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng. Mục tiêu của Đề án nhằm thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

3. Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu


Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum (WEF)) ngày 3/9 đã công bố báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013-2014. Theo đó năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, xếp hạng 70/148. Kết quả này là do môi trường kinh tế vĩ mô tốt hơn (hạng 87, tăng 19 bậc), chất lượng hạ tầng giao thông đã được cải thiện, dù vẫn còn ở mức rất thấp. Việt Nam cũng có những tiến bộ đối với tiêu chí về mức độ hiệu quả của thị trường hàng hoá (tăng 14 bậc). Kết quả xếp hạng được WEF đưa ra trên cơ sở đánh giá theo bộ chỉ tiêu gồm 12 tiêu chí, trong đó có thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục, quy mô thị trường và môi trường kinh tế vĩ mô.

4. Bước đầu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức thấp

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam bước đầu thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Với các giải pháp điều hành quyết liệt của chính phủ, lạm phát năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 10 năm qua (6,04%); tăng trưởng kinh tế đạt 5,42. Kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc vào những tháng cuối năm.

5. Thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ


Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chính phủ và trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ ngành ngân hàng đã đề ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2013. Mặt bằng lãi suất giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh. Lần đầu tiên, NHNN thực hiện đấu thầu vàng, qua đó nâng cao chất lượng quản lý thị trường vàng. Tình trạng đôla hoá, vàng hoá giảm đáng kể. Niềm tin vào tiền Việt Nam tăng lên.

6. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vượt xa mục tiêu


Vốn FDI vào Việt Nam đã chính thức vượt mốc 20 tỷ USD trong năm 2013, đây là con số ấn tượng trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Tính đến 15/12/2013 tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012, vượt mục tiêu 13-14 tỷ USD đã đề ra. Điểm đáng chú ý là cơ cấu đầu tư vốn FDI năm nay tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký.

7 . Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua


Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi và sản xuất trong nước còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 vẫn tiếp tục là điểm sáng với tổng kim ngạch đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nhập khẩu năm 2013 đạt 131,3 tỷ USD. Trong năm 2013, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

8. Triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội


Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Gói tín dụng được kỳ vọng là một trong những giải pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên cho đến nay, tốc độ giải ngân gói tín dụng này vẫn còn chậm.

9. Mỹ công nhận Việt Nam không bán phá giá tôm


Ngày 10/9 /2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1/2/2011 đến 31/1/2012. Đây là lần đầu tiên sau gần chục năm, DOC thừa nhận các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá và quyết định mức đưa mức thuế này về 0% cho các doanh nghiệp. Đây là thành công của Việt Nam trong quá trình đấu tranh, bảo vệ sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng khi hội nhập kinh tế toàn cầu.

10. Thị trường chứng khoán phục hồi mạnh

Thị trường chứng khoán đã có một năm phục hồi và tăng trưởng khá mạnh. Theo số liệu của UBCK Nhà nước, các chỉ số giá chứng khoán đều tăng so với cuối năm 2012. Tính đến ngày 24/12/2013, Vn-Index tăng 22,2% trong khi HNX-Index là 19,32%. Dòng vốn nước ngoài luân chuyển tăng 54%. Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp v.v…là yếu tố quyết định khiến thị trường tăng trưởng mạnh. Sự phục hồi của thị trường chứng khoán, vốn được coi là "hàn thử biểu" của nền kinh tế sẽ tạo niềm tin tích cực cho các nhà đầu tư trong năm 2014.


TTXVN/Tin tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN