Tiền Giang khai thác thế mạnh nuôi hải sản

Tận dụng lợi thế có bờ biển dài 32 km cùng 3 cửa sông chính chảy ra biển Đông là cửa Soài Rạp (khu vực Vàm Láng Gò Công Đông), Cửa Tiểu và Cửa Đại (sông Tiền), tỉnh Tiền Giang đẩy mạnh phát triển nghề nuôi hải sản.

Chú thích ảnh
Nuôi tôm thâm canh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Biển Gò Công với hệ sinh thái rừng ngập mặn là môi trường lý tưởng để loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sinh sôi, phát triển mạnh. Theo khảo sát và đánh giá của ngành chức năng, nguồn giống tự nhiên sinh sản tại khu vực bãi bồi ở biển Gò Công chủ yếu là nghêu cám và sò giống, mật độ trung bình 15 - 20 con/dm2 (có nơi 100 - 150 con/dm2)... Diện tích nuôi nghêu của tỉnh hiện nay đạt 2.300 ha, diện tích nuôi tôm đạt gần 4.000 ha, hàng năm thu hoạch khoảng 16.000 tấn tôm và 15.000 - 17.000 tấn nghêu, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Tại huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), địa phương duy trì và phát triển vùng nuôi nghêu trên địa bàn huyện có diện tích 2.200 ha, tập trung tại xã Tân Thành, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt khoảng 20.000 tấn. Nghêu Gò Công có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Huyện đang phối hợp Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh xây dựng tiêu chuẩn MSC cho vùng nuôi nghêu Gò Công, hướng đến việc xuất khẩu nghêu sang thị trường các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, huyện duy trì diện tích thủy sản thả giống trên 7.000 ha, chú trọng khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại khu vực Cồn Ngang, nuôi thủy sản nước ngọt 250 ha.

Một trong những nông dân dựng nên cơ nghiệp từ nghề nuôi nghêu thương phẩm là ông Trần Văn Chỉ, cư ngụ tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Gia đình ông bắt đầu nuôi nghêu vào năm 1989, đến nay đã gần 30 năm. Ban đầu ông nuôi với diện tích nhỏ, nhờ những thành công về giá trị kinh tế mang lại, ông bắt đầu nhân ra diện rộng. Hiện ông sở hữu 6 ha nghêu nuôi, trung bình mỗi năm thu lãi trên nửa tỷ đồng từ con nghêu nuôi ven biển Tân Thành, trở thành một trong những tỷ phú của vùng nuôi Tân Thành.

Ngoài tập trung vào vùng nuôi nghêu ven biển, các sở, ngành và địa phương đã thực hiện hoàn thiện các thủ tục để chứng nhận đạt tiêu chuẩn MSC cho nghề nghêu huyện Gò Công Đông; đồng thời, tiếp nhận Dự án “Phát triển chuỗi giá trị Ngao - Tre toàn diện,bền vững tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; phối hợp với Viện Nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài nghiên cứu mô hình nuôi nghêu tại xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Bên cạnh nghề nuôi nghêu, khu vực ven biển phía Đông của tỉnh Tiền Giang còn phát triển nghề nuôi tôm nhiều ở huyện Tân Phú Đông và huyện Gò Công Đông. Theo thống kê, diện tích thả nuôi tôm khu vực ven biển của tỉnh hiện nay đạt khoảng 4.895 ha; trong đó, diện tích thả nuôi thâm canh là 3.104 ha, sản lượng ước khoảng 19.850 tấn/năm.

Ông Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, để khai thác có hiệu quả, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng cù lao ven biển, thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, nhiều công trình thủy lợi phục vụ nuôi và khai thác thủy, hải sản liên tục được xây dựng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với  nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, diện tích nuôi tôm ngày càng được mở rộng, kết hợp với khai thác nguồn lợi thủy sản từ các cồn bãi đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình và kinh tế địa phương.

Kết quả cụ thể cho thấy, nếu như năm 2008, toàn huyện Tân Phú Đông chỉ có khoảng 3.084 ha nuôi tôm, với sản lượng khoảng 14.532 tấn, đến cuối năm 2022 diện tích nuôi tôm đã tăng lên trên 7.400 ha; sản lượng thu hoạch từ thủy sản nuôi trên 30.000 tấn, đạt 112,2%, với các mô hình sản xuất ngày càng đa dạng và phong phú hơn, với chủ yếu là con tôm được nuôi theo hình thức quảng canh và công nghiệp. Đồng thời, tỉnh và địa phương cũng đang triển khai xây dựng quy hoạch Khu nuôi thủy sản với diện tích 352 ha (ấp Cồn Cống, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) để mời gọi đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, ngoài các mô hình nuôi tôm truyền thống, từ năm 2017 các hộ nuôi tôm trong tỉnh cũng đã bắt đầu áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong nuôi tôm nước lợ như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, ban đầu với diện tích 30 ha/14 hộ, cho năng suất bình quân từ 40 -70 tấn/ha (nuôi thông thường từ 15 - 20 tấn/ha). Điển hình có hộ ông Trần Quang Thành, cư ngụ tại ấp xóm Rẫy, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất nhiễm mặn sang nuôi tôm. Nhờ nắm vững quy trình, chọn con giống tốt, sạch bệnh, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn qua từng vụ nuôi..., nên vụ nào ông Thành cũng bội thu. Trung bình mỗi năm, ông đạt sản lượng nuôi gần 10 tấn tôm thương phẩm, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi từ 300 - 400 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), để hỗ trợ bà con nuôi thủy sản thành công, địa phương đặc biệt chú trọng tập huấn, hội thảo, chuyển giao kỹ thuật ngay từ đầu vụ, kết hợp với xây dựng những mô hình nuôi phù hợp, hiệu quả để nông dân nghiên cứu, áp dụng. Huyện đã xây dựng 2 mô hình trên lĩnh vực nuôi tôm là mô hình ứng dụng men vi sinh kết hợp sụt khí đáy trong nuôi tôm thẻ chân trắng và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ, được triển khai tại xã ven biển Tân Thành. Năm 2022, huyện Gò Công Đông đã thu hoạch từ nuôi trồng gần 14.200 tấn tôm cá các loại phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất chế biến thức ăn thủy sản, chế biến thủy sản xuất khẩu đạt được những kết quả tốt, hiện nay trên địa bàn tỉnh các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản phát triển khá mạnh. Nhìn chung, kinh tế thủy sản tỉnh nhà trong những năm qua phát triển tốt, đóng góp vào giá trị sản xuất chung của toàn ngành nông nghiệp tăng 6,35%/năm; trong đó, thủy sản tăng 7,54%/năm.

Hữu Chí (TTXVN)
Lực lượng kiểm ngư phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác hải sản
Lực lượng kiểm ngư phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác hải sản

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản), ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Cục Kiểm ngư nhấn mạnh, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; tăng cường sự hiện diện của lực lượng chức năng trên biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt là các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN