Tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho tàu 67

Sau 5 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính Phủ về chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại Thanh Hóa.

Đây là chủ trương lớn, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ. 

Chú thích ảnh
Tàu cá vỏ thép công suất lớn được hạ thủy tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Tại huyện Hậu Lộc, địa phương có 7 tàu gỗ được đóng mới theo Nghị định 67 (gọi là tàu 67) nhưng hầu hết đều không thực hiện trách nhiệm trả nợ theo hợp đồng tín dụng, không hợp tác với ngân hàng dù đã được các ngân hàng cơ cấu nợ nhiều lần. Hiện địa phương này có 4 tàu cá phải thực hiện quy trình thi hành án dân sự.

Trong 7 chủ tàu chỉ có duy nhất tàu cá của anh Nguyễn Văn Xuyên ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, có tổng trị giá 14,3 tỷ đồng, được hỗ trợ vay vốn 10 tỷ đồng và hiện đã trả được 2,2 tỷ đồng theo đúng các quy định về xử lý nợ. Với các trang thiết bị hiện đại như máy dò ngang Koden, máy định vị định dạng, máy dò đứng... đã giúp tàu cá của gia đình có những chuyến ra khơi hiệu quả.

Tuy nhiên, với những khó khăn chung như ngư trường bị thu hẹp, các ngư trường lớn như Vịnh Bắc Bộ đang bị cạn kiệt nguồn lợi thủy hải sản, làm ăn khó khăn lại lắm rủi ro, chi phí bảo trì bảo dưỡng tàu tương đối nhiều nên cũng gây không ít khó khăn cho gia đình anh Xuyên.

Theo anh Xuyên, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67 và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng, gia đình anh đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển.

Do hai năm trở lại đây, hoạt động khai thác gặp nhiều khó khăn nên rất mong Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các chủ tàu như kéo dài thời gian trả lãi suất ngân hàng từ 10 năm lên 20 năm hoặc giảm lãi suất trên vốn đầu tư để giảm bớt gánh nặng cho ngư dân. Như vậy, việc trả tiền vay cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng sẽ dễ dàng hơn.

Gia đình anh Lê Văn Lực ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thẩm định, cho vay 14,1 tỷ đồng đóng  tàu vỏ thép. Tàu của gia đình anh Lực vẫn vươn khơi, bám biển, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương.

Tuy nhiên, với chi phí đầu tư lớn cùng những hỏng hóc phát sinh trong quá trình khai thác nên hàng năm sau khi hạch toán chi phí chủ yếu thu nhập của gia đình anh Lê Văn Lực chỉ hòa vốn, có nhiều chuyến bị lỗ tiền dầu. Sau 4 năm hạ thủy tàu vỏ thép, gia đình anh Lê Văn Lực mới trả được hơn 130 triệu đồng tiền lãi vay từ vốn Nghị định 67. Hiện chủ tàu vẫn nợ 14,1 tỷ đồng; trong đó, có gần 2,7 tỷ đồng tiền gốc đến kỳ phải trả, nợ đọng còn hơn 3 tỷ đồng tiền lãi. Do gia đình ông Lực vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo phân kỳ, Agribank đã khởi kiện ra tòa.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa, hiện nay các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay đóng mới 58 tàu theo Nghị định 67, với tổng số tiền cam kết theo hợp đồng tín dụng là 653 tỷ đồng, dư nợ gần 600 tỷ đồng. 32 chủ tàu thực hiện trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết hợp đồng.

Doanh số thu nợ đạt 49,206 tỷ đồng, đạt 7,55% tổng số dư nợ. Có 26/58 chủ tàu chậm trả nợ gốc, với dư nợ 379,21 tỷ đồng, lãi chuyển sang nợ xấu, gồm 21 tàu vỏ thép, 5 tàu vỏ gỗ hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ gốc và lãi theo cam kết. 

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 67 tỉnh Thanh Hoá đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp gỡ khó cho các chủ tàu 67; trong đó, có việc yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì việc hỗ trợ chính sách duy tu, sửa chữa định kỳ cho các tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa cho các tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ có tổng công suất máy chính 400CV trở lên đến hết năm 2020.    

Các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng liên tục tuyên truyền cho các ngư dân hiểu rõ về ý nghĩa, ưu đãi mà các chủ tàu được hưởng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP; đồng thời, thực hiện đúng các hợp đồng tín dụng đã ký kết với ngân hàng.

Để hạn chế nợ xấu các khoản vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá tiếp tục phát sinh và tăng cường công tác quản lý tài sản bảo đảm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ngành có liên quan của tỉnh tích cực phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thương mại trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu đối với các chủ tàu có khả năng trả nợ nhưng có biểu hiện chây ỳ, không trả nợ theo đúng quy định pháp luật.

Đối với nợ xấu phát sinh do yếu tố khách quan, như thời tiết và ngư trường khai thác, kinh nghiệm vận hành tàu vỏ thép của chủ tàu chưa có nên hiệu quả khai thác chưa cao hoặc tàu thường xuyên hư hỏng... thì các ngân hàng trên địa bàn sẽ có cơ chế về khoanh, giãn nợ đối với các chủ tàu này. Đối với nợ xấu phát sinh do chủ tàu cố tình chây ỳ, không hợp tác với ngân hàng, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, các ngành chức năng sẽ có biện pháp yêu cầu các chủ tàu đưa tàu về địa phương để chấp hành thi hành án sau khi tòa án có phán quyết. 

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thanh An cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây, 1 bộ phận ngư dân đã không tuân thủ hợp đồng đã ký kết, nhiều chủ tàu đã đồng loạt ngừng trả nợ cùng lúc, dẫn đến nợ xấu tăng lên.

Trên cơ sở hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn việc gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với chủ tàu cá vỏ thép phải nằm bờ (nếu có). Nếu các chủ tàu để nợ kéo dài, các ngân hàng sẽ phải buộc khởi kiện chủ tàu ra tòa theo quy định, phát mại tài sản là các con tàu."

Ông An cũng khẳng định, để giảm tỷ lệ nợ quá hạn theo Nghị định 67, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người vay, của từng chủ tàu phải thực hiện đúng theo những cam kết với ngân hàng khi đã được tạo điều kiện cho vay vốn đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.

Trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa sẽ tiếp tục hướng dẫn ngư dân sản xuất theo mô hình tổ đoàn kết trên biển, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết sản xuất giữa khai thác, dịch vụ hậu cần trên biển và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ ngư dân nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Cùng đó, tiếp tục hướng dẫn chủ tàu trong việc duy tu, sửa chữa theo định kỳ, kịp thời phát hiện trục trặc, hỏng hóc đối với tàu vỏ thép để có biện pháp đảm bảo an toàn khi hoạt động.

Ngành nông nghiệp Thanh Hóa sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan lồng ghép các lớp tập huấn, tuyên truyền, đôn đốc chủ tàu vay vốn tín dụng, vốn lưu động của các ngân hàng tự giác thực hiện trách nhiệm trả gốc và lãi đúng thời hạn theo quy định tại hợp đồng ký vay vốn. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Đang kiểm tàu cá Tổng cục Thủy sản thực hiện tốt công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, hướng dẫn chủ tàu trong việc duy tu, sữa chữa theo định kỳ để đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển. 

Ngành nông nghiệp Thanh Hóa cũng đã có đề xuất tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngư dân, thông qua việc giảm lãi suất vay vốn và gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hoa Mai (TTXVN)
Gỡ vướng mắc để 'tàu 67' tiếp tục vươn khơi
Gỡ vướng mắc để 'tàu 67' tiếp tục vươn khơi

Sau 5 năm (2014 - 2019) thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67) đã mang lại hiệu quả tích cực phát triển nghề cá Bình Thuận theo hướng vươn ra xa bờ và đầu tư hiện đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN