Tàu của ngư dân Nguyễn Hữu Thương bị mắc cạn khi đi đánh bắt thủy sản. |
“Cứ mỗi lần tàu mắc cạn, chúng tôi phải nhảy xuống biển để đẩy tàu, thậm chí phải nhờ một tàu khác kéo ra khỏi chỗ cạn. Thông thường, thời gian từ Quan Lạn sang Ngọc Vừng đánh bắt hải sản mất khoảng 30 phút, nhưng khi nước cạn phải đi đường vòng khoảng 2 tiếng, tốn tiền, thời gian lắm” - Anh Nguyễn Hữu Thương, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn ngao ngán.
Có mặt trên chuyến tàu của ngư dân Nguyễn Hữu Thương xuất phát từ xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn ra đảo Phượng Hoàng, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn để đánh bắt thủy sản, mới thấy được sự khó khăn vất vả của ngư dân khi tàu thuyền mắc cạn. Thời điểm thực tế tuy chưa phải là lúc con nước xuống thấp nhất nhưng tàu bị mắc cạn khi mới đi được 1/3 đường.
Theo tìm hiểu, các tuyến luồng thủy ngày càng bị khan cạn do bồi lắng phù sa. Một số tuyến luồng dân sinh đi ra ngư trường cũng như nối giữa các xã đảo như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen thuộc huyện Vân Đồn hoàn toàn chỉ đi được khi nước thủy triều lên cao.
Ngoài ra, lượng khách du lịch tăng cao, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên các xã đảo cũng đang phát triển nên ngày càng có nhiều phương tiện thủy có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa, du khách lưu thông.
Tuy nhiên, do các tuyến luồng chưa đảm bảo nên việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển khách du lịch, đánh bắt thủy hải sản… ở đây gặp nhiều khó khăn. Bất cập này khiến nhiều dự án, công trình bị kéo dài thời gian, đội chi phí, các dịch vụ du lịch bị hạn chế.
Ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên cán bộ giao thông đường thủy của huyện Vân Đồn chia sẻ, với người dân sống ở các xã đảo, giao thông thủy đóng vai trò quan trọng đối với mọi mặt đời sống của nhân dân. Trước đây, tàu thuyền đi lại giữa các xã đảo của huyện Vân Đồn với đất liền rất thuận lợi nhưng vào thời điểm hiện tại, do sự bồi lắng hàng năm lớn, cộng với việc không được nạo vét các tuyến luồng nên các phương tiện thủy của người dân đi lại khó khăn.
Ông Bùi Văn Hà, Trưởng thôn Đoài, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn cho biết, thời gian gần đây, xã Quan Lạn được đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng như: Đường trên đảo, đê bao phòng hộ, hồ chứa nước…Nhưng do luồng tuyến cạn nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng tốn nhiều công, thời gian, làm chậm tiến độ các công trình.
Ông Đỗ Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn cho biết, trước đây, huyện Vân Đồn cho nạo vét khơi thông các tuyến luồng cũ ra các xã đảo và mở thêm nhiều luồng mới tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân. Tuy nhiên, một số vướng mắc phát sinh nên hoạt động nạo vét luồng lạch thời gian gần đây tạm dừng.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, thời gian tới, xã sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền đôn đốc các đơn vị được phê duyệt dự án sớm thực hiện nạo vét các tuyến luồng để giúp hoạt động giao thương, vận tải, du lịch giữa các xã đảo và đất liền được phát triển.
Ngày 20/2, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 958/UBND- GT2 về việc cho phép một số đơn vị tiếp tục thực hiện các dự án nạo vét tuyến luồng trên địa bàn huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này tạm dừng do UBND tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các dự án nạo vét tuyến luồng.