Nam Định tăng kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến

Để cùng với các địa phương ven biển trên cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Uỷ ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Nam Định đã có nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn các tàu cá có hành vi vi phạm trong khai thác, đồng thời tăng cường răn đe, xử phạt đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng để phát triển ngành thủy sản bền vững với diện tích nuôi trồng thủy sản trên 17.000 ha, có 72 km bờ biển, có hệ sinh thái bãi bồi ven biển đa dạng, phong phú. Tăng trưởng hằng năm của ngành thủy sản luôn đạt trên 4,5%. Riêng năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 187.300 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 11.120 tỷ đồng, chiếm 31,5% cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và mang lại hiệu quả kinh tế cao, song nguồn lợi thủy sản cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện nay, tình trạng tàu cá trên địa bàn vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra, vẫn còn tình trạng sử dụng ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, nhiều tàu cá chưa chấp hành cập bến tại các cảng chỉ định gây ra nhiều khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc.

Theo bà Nga, để thay đổi tư duy, tập quán khai thác và hướng tới nghề cá có trách nhiệm, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tới các địa phương ven biển nhằm tuyên truyền cho các ngư dân trong việc chấp hành pháp luật. Đặc biệt, đã quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng vi phạm khai thác IUU.

Bên cạnh việc đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền cho ngư dân hiểu rõ và chấp hành nghiêm các quy định về khai thác IUU, tỉnh Nam Định cũng đã xử phạt các tàu cá vi phạm các quy định trong khai thác. Tính đến hết tháng 4/2023, các ngành chức năng tỉnh Nam Định đã xử lý 5 vụ, phạt vi phạm hành chính 85,5 triệu đồng đối với các tàu cá vi phạm các quy định về khai thác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng ban hành Quyết định thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với 74 tổ chức, cá nhân là chủ tàu đăng ký hoạt động nghề lưới kéo, lưới rê, lưới chụp, hậu cần nghề do không còn đủ điều kiện theo quy định. Huyện Hải Hậu là địa phương có nhiều nhất với 36 tổ chức, cá nhân; tiếp đến là huyện Giao Thủy với 27 chủ tàu và huyện Nghĩa Hưng 11 chủ tàu.

Việc thu hồi Giấy phép khai thác thủy sản đối với các trường hợp không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là một trong những giải pháp quyết liệt của tỉnh Nam Định trong thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đối với nghề cá để phòng, chống khai thác IUU.

Tại tỉnh Nam Định hiện còn nhiều tàu cá vẫn chưa hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Theo số liệu từ ngành nông nghiệp Nam Định, số tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 510/541 tàu, đạt tỷ lệ 94,27%. Còn lại 31 tàu chưa lắp thiết bị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định cho hay, thời gian qua, Ban Quản lý Cảng cá đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát tàu cá ra, vào Cảng để kịp thời phát hiện, xử lý đối với tàu cá vi phạm. Cảng cá kiên quyết không để các tàu cá vi phạm khai thác IUU và các tàu chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được xuất bến.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành chức năng, hiện nay, các tàu, thuyền thường xuyên neo đậu tại Cảng cá cơ bản đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, việc ghi chép nhật ký khai thác được thực hiện đầy đủ. Mỗi khi ra, vào Cảng cá, các chủ tàu đều đăng ký trước 1 giờ đồng hồ theo quy định.

Để việc phòng chống khai thác IUU trên địa bàn đạt kết quả cao hơn nữa, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường theo dõi, giám sát tàu cá, tổ chức thường trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24 giờ; hàng tháng lập danh sách tàu cá không tham gia khai thác hải sản và các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác gửi các cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển và thanh tra tại cảng cá để nâng cao hoạt động thực thi pháp luật; tăng cường kiểm soát các tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn, trạm biên phòng tuyến biển…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU; kiểm soát tốt việc xuất, nhập tại các bến, cảng cá; đặc biệt kiên quyết không cho ra khơi những tàu cá không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định để cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” trong khai thác hải sản.

Công Luật (TTXVN)
Không để ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU
Không để ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU

Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ đến Việt Nam từ ngày 25/5/2023 để xem xét có gỡ "thẻ vàng" IUU cho hải sản của nước ta hay không. Vì vậy, các ngành, địa phương có liên quan, nhất là 4 tỉnh đã bị Thủ tướng Chính phủ “tuýt còi”, phải quyết liệt thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, chuẩn bị đầy đủ chi tiết kế hoạch để làm việc với Đoàn Thanh tra EC, tập trung quản lý đội tàu khai thác hải sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xử lý vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN