Việc tự ý tháo gỡ hoặc nhờ tàu cá khác cất giấu thiết bị VMS không chỉ nhằm mục đích đối phó với lực lượng chức năng mà còn làm gia tăng nguy cơ tàu cá vi phạm khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về giải pháp xử lý vụ việc nêu trên, chiều 6/4, Thượng tá Phùng Đức Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết, ngay sau khi phát hiện trường hợp chủ tàu cất giấu thiết bị VMS, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã báo cáo rõ vụ việc đến Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Bộ đội Biên phòng Cà Mau chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ nguyên nhân và xác định đúng bản chất vụ việc liên quan đến hành vi chủ tàu tự ý tháo gỡ, cất giấu thiết bị VMS; qua đó đề xuất biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 15/4, Bộ đội Biên phòng Cà Mau sẽ có báo cáo kết quả xác minh, điều tra và những khó khăn, vướng mắc (nếu có) đến Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.
‘‘Hiện cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc nên chưa có kết quả xử lý vi phạm. Tuy nhiên, sau khi có kết quả điều tra, nếu khẳng định việc tháo gỡ, cất giấu thiết bị VMS là có tổ chức hoặc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp, hình thức xử lý phù hợp đối với chủ tàu...’’, Thượng tá Phùng Đức Hưng thông tin.
Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Cà Mau tiếp tục phối hợp các lượng khác trên vùng biển Cà Mau phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để tất cả các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tuân thủ chấp hành tốt các quy định của pháp luật, cam kết không đưa tàu cá đi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó là tăng cường triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá khai thác hải sản xa bờ, dài ngày trên biển. Đặc biệt, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định về chống khai thác IUU theo pháp luật như ngắt kết nối, tháo gỡ thiết bị VMS, vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 6/4, Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho biết, lực lượng này vừa phát hiện thêm 3 thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) cất giấu trong khoang hầm 2 tàu do ông Lê Ngọc Thương và ông Lê Văn Đãi, cùng cư ngụ tại thị trấn Sông Đốc làm chủ.
Trước đó, ngày 4/4, lượng lực Bộ đội Biên phòng Đồn Biên phòng Hòn Chuối tổ chức kiểm tra các phương tiện đang neo đậu tại khu vực đảo Hòn Chuối. Khi kiểm tra phương tiện CM 95224 TS do ông Lê Ngọc Thương (ngụ khóm 6, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau làm chủ), lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trong khoang hầm của phương tiện có 1 bộ thiết bị giám sát hành trình hiệu ZUNIBAL, mã số BTK002192.
Lực lượng chức năng kiểm tra hai phương tiện tàu cá không có biển kiểm soát, do ông Lê Văn Đãi, ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời làm chủ. Cả hai phương tiện này không đủ điều kiện hoạt động, chỉ neo đậu tại đảo nhưng trên tàu vẫn đang cất giấu 2 bộ thiết bị giám sát hành trình hiệu Bình An, mã số B05661 và B05023.
Ông Thương cho biết, vào ngày 21/3/2023, ông nhận cất giữ bộ thiết bị giám sát hành trình trên cho anh ruột tên Lê Ngọc Quang, cùng ngụ khóm 6, thị trấn Sông Đốc, là chủ tàu đánh cá KG 90032 TS.
Theo ông Đãi, vào ngày 30/3/2023, ông nhận cất giữ 2 thiết bị giám sát nói trên từ ông Nguyễn Văn Bảy, ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Từ phần mềm quản lý tàu cá, lực lượng chức năng xác định, thiết bị giám sát BTK002192 là của tàu KG 90032 TS, thiết bị B05661 là của tàu CM 91789 TS, thiết bị B05023 của tàu CM 99045 TS. Các tàu cùng hoạt động nghề lưới kéo.
Trước đó, ngày 15/3, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện và thu giữ 10 thiết bị VMS cất giấu trên tàu cá CM 91772 TS, do ông Trần Phước Nghiệm, ở tại thị trấn Sông Đốc (Cà Mau) làm thuyền trưởng.