Trong những năm qua, kinh tế biển Hải Phòng đã đóng góp khoảng 30% vào GDP toàn thành phố, GDP kinh tế biển Hải Phòng cũng chiếm khoảng hơn 30% GDP kinh tế biển – ven biển cả nước và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ chung vùng ven biển cả nước.
Trong sự phát triển kinh tế biển hiện nay của Hải Phòng nói riêng cũng như cả nước nói chung, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định 11/2021/NĐ-CP bước đầu đã tạo nền móng cho sự thay đổi tư duy quản lý nhà nước về biển và hải đảo. Đó là chuyển từ sử dụng chung tài nguyên biển sang giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng. Điều này góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên biển, nâng cao hiệu quả của sự phát triển kinh tế biển.
Ông Mai Đức Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo thành phố Hải Phòng cho biết: Nghị định 11/2021/NĐ-CP ra đời đã kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trực tiếp trong công tác quản lý nhà nước cũng như phát triển kinh tế biển của thành phố Hải Phòng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị định có một số quy định mới như: quy định tất cả các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân có phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm ra đến hết các vùng biển Việt Nam theo văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật đều thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định (trừ việc sử dụng khu vực biển vào mục đích quốc phòng, an ninh).
Thực hiện Nghị định 11/2021/NĐ-CP, thành phố Hải Phòng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện nghị định cho các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có biển, một số doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện lập hồ sơ giao khu vực biển trên địa bàn. Chi cục Biển và Hải đảo đã xây dựng bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và thẩm quyền của UBND cấp huyện có biển theo quy định của Nghị định 11/2021/NĐ-CP như: giao, công nhận, trả lại khu vực biển gia hạn, sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển đã được UBND thành phố công bố danh mục thủ tục hành chính tại Quyết định số 1403/QĐ-UBND ngày 25/5/2021.
Thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định mới thay thế để điều chỉnh mức thu tiền sử dụng khu vực biển trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 11/2021/NĐ-CP; tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị giao khu vực biển thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố đối với tổ chức, cá nhân nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Việc giao khu vực biển ở Hải Phòng đã bắt đầu đi vào nền nếp và đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đồng thời góp phần khơi thông luồng lạch, vùng nước trước cầu cảng cho tàu thuyền đi lại thuận lợi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và tăng thu cho ngân sách nhà nước,
Bà Nguyễn Thị Thanh Thắm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Kiến Thuỵ cho biết: “Sau khi được UBND thành phố Hải Phòng cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực biển thuộc địa bàn thành phố, chúng tôi cần được chính quyền thực hiện thủ tục giao khu vực biển trước khi tiến hành khai thác khoáng sản theo giấy phép đã được cấp. Để thực hiện được thủ tục đó, công ty đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật về giao khu vực biển. Việc ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật đã giúp thuận tiện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hồ sơ đề nghị giao khu vực biển, không còn sự chồng chéo trong các quy định về giao đất có mặt nước và giao khu vực biển”.
Tại Hải Phòng, ngành kinh tế thủy sản phát triển mạnh trên cả hai lĩnh vực nuôi trồng và khai thác. Nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng thâm canh và bán thâm canh với các đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao; năng lực khai thác thủy sản xa bờ đã được tăng cường. Số cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản trên địa bàn thành phố chiếm 75% số lượng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hệ thống kho lạnh chiếm 50% sức chứa các kho lạnh trong các cơ sở chế biến thủy sản ở miền Bắc, đưa Hải Phòng trở thành địa phương có năng lực chế biến thủy sản lớn nhất miền Bắc. Việc thực hiện Nghị định 11/2021/NĐ-CP càng làm tăng thêm hiệu quả của ngành kinh tế thủy sản.
Thực tiễn giao khu vực biển ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đang trong quá trình xây dựng nên việc giao khu vực biển vẫn dựa vào quy hoạch ngành, địa phương. Tuy nhiên, tính ổn định của một số quy hoạch ngành, địa phương không cao, còn có bất cập, khả năng dự báo thấp dẫn đến việc quản lý sử dụng khu vực biển tại một số địa phương còn chạy theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân; công tác quản lý tổng hợp, thống nhất, liên ngành, liên vùng chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường biển; hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển chưa khoa học và còn lãng phí, chưa phù hợp với quy luật tự nhiên và chức năng sử dụng của khu vực biển để bảo vệ môi trường biển và phát triển bền vững.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo Hải Phòng Mai Đức Long cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ nghiên cứu và đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND thành phố sửa đổi, thay thế các văn bản pháp luật trước đó quy định việc cho thuê mặt nước biển và giao khu vực biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản đã không còn phù hợp. Chi cục cũng tiếp tục thanh tra, kiểm tra việ thực hiện quy định pháp luật về giao, sử dụng khu vực biển trên địa bàn, giải quyết các tranh chấp và sử dụng khu vực biển thuộc thẩm quyền; tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác giao, sử dụng khu vực biển.
Để triển khai có hiệu quả Nghị định 11/2021/NĐ-CP, Chi cục Biển và Hải đảo thành phố Hải Phòng sẽ tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố Hải Phòng thực hiện tổng hợp, đánh giá tình hình giao, sử dụng khu vực biển trên địa bàn; quản lý việc sử dụng các khu vực biển để khai thác sử dụng tài nguyên biển; cung cấp thông tin, quản lý, sử dụng hệ thống kỹ thuật phục vụ công tác giao khu vực biển; thống kê, kiểm kê, xây dựng, quản lý thông tin, dữ liệu về giao, sử dụng khu vực biển trên địa bàn.
Bài cuối: Thể chế hóa chủ trương phát triển kinh tế biển bền vững