Xung đột nuôi trồng thủy sản với bảo tồn
Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Tuấn Mạnh cho biết, việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, bất cập, xung đột giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị của danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà - Di tích Quốc gia đặc biệt, tạo bước đột phá trong bảo vệ môi trường.
Đồng thời, nhằm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, tiêu chí cần thiết để Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) khảo sát thực địa, đánh giá hồ sơ ghi vào danh sách và đề nghị Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022.
Khi được UNESCO công nhận, quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới sẽ tạo sự kết nối các tuyến tham quan giữa vịnh Hạ Long và các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà để phát triển du lịch bền vững, góp phần đưa Cát Bà cùng với Đồ Sơn, Hạ Long sớm trở thành trung tâm du lịch quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, hiện nay trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu sinh sống, làm việc trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Hoạt động nuôi trồng thủy sản những năm qua đã có sự đóng góp nhất định trong việc cung cấp nguồn thực phẩm thủy sản có chất lượng phục vụ du lịch, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản hiện nay với mật độ cao, một phần thức ăn nuôi cá rơi xuống đáy biển tích tụ lại, phân hóa, làm biến đổi tầng đáy của vịnh, gây ô nhiễm môi trường, xung đột với định hướng phát triển du lịch của địa phương.
Đến thời điểm này, UBND huyện Cát Hải đã xây dựng lộ trình hỗ trợ, tháo dỡ cụ thể đối với từng hộ dân. Theo đó, giai đoạn 1 thực hiện kiểm đếm, tổng hợp nhân khẩu liên quan đến 231 nhà chòi, 3.918 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể tại khu vực vịnh Lan Hạ, vịnh Trà Báu, xong trước ngày 31/8/2021. Giai đoạn 2 thực hiện kiểm đếm, tổng hợp nhân khẩu liên quan đến 285 nhà chòi; 4.298 ô lồng tại các khu vực còn lại, xong trước ngày 30/9/2021... Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ là trên 68,4 tỷ đồng.
Từ ngày 13/8 đến 25/8, đã có 155/159 chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản tại quần đảo Cát Bà đồng ý cho huyện Cát Hải thực hiện kiểm đếm; đã tiến hành kiểm đếm được 103 cơ sở; trong đó có 40 chủ hộ đã nhất trí, ký cam kết tháo dỡ sau khi nhận được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 05 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng.
Chung tay hỗ trợ thủy sản tồn đọng
Chủ bè Đinh Như Nguyên (quê ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, ông cùng gia đình ra Cát Bà "khởi nghiệp" nuôi tu hài từ năm 2007, đến năm 2013 chuyển sang nuôi cá, chủ yếu là cá song. Hiện gia đình ông có 118 ô lồng tại khu Cạp Gù thuộc vịnh Lan Hạ và còn tồn khoảng 60 tấn cá các loại (cá chim vây vàng, cá song, cá giò, cá côi). Từ đầu tháng 8 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, gia đình ông Nguyên mới chỉ tiêu thụ được trên 700 kg cá.
Với chủ bè Nguyễn Văn Nam, rời quê hương Quảng Yên, Quảng Ninh ra khu vực Tùng Gấu, xã Việt Hải, huyện Cát Hải nuôi trồng thủy sản từ năm 2006. Gia đình ông Nam hiện có 28 lồng bè gồm cá giống và cá thành phẩm trị giá hơn 1 tỷ đồng. Do dịch COVID-19, giá bán các sản phẩm thủy sản đã giảm hơn 20% so với trước đây, trong khi tiền vay vốn ngân hàng hơn 700 triệu đồng chưa có khả năng thanh khoản. Hiện tại, ông Nam và gia đình chưa biết xoay sở ra sao khi bị tháo dỡ các lồng bè và không quen với công việc trên bờ.
Ý kiến chung của các chủ bè đều đồng tình với chủ trương sắp xếp lại lồng bè nuôi trồng thủy sản tại Cát Bà của thành phố Hải Phòng. Các chủ bè mong muốn thành phố, huyện Cát Hải quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ, đền bù thỏa đáng; bố trí địa điểm phù hợp để các hộ dân tiếp tục nuôi trồng thủy sản, ổn định cuộc sống vốn xưa nay chỉ quen và gắn bó với nghề sông nước.
Ông Bùi Tuấn Mạnh chia sẻ, trước thực trạng lượng cá, nhuyễn thể còn tồn đọng khá nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19, UBND huyện Cát Hải đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố quan tâm, vận động các doanh nghiệp, nhà máy, tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực chế biến thuỷ sản, người dân… hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 16/8/2021, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải đã gửi Thư ngỏ kêu gọi các tầng lớp nhân dân và du khách, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài huyện, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn huyện chung tay hỗ trợ thu mua, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản tại các cơ sơ nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.
Kết quả, tính đến ngày 25/8, huyện đã tiêu thụ được 5 tấn cá do Điện lực Hải Phòng hỗ trợ và các doanh nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ký kết hỗ trợ tiêu thụ 650 tấn...
Nằm về phía Đông Nam thành phố Hải Phòng, quần đảo Cát Bà có diện tích gần 300 km2, là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Mục tiêu Đảng bộ huyện Cát Hải xác định bứt phá trong giai đoạn 2020-2025, đó là xây dựng và phát triển huyện Cát Hải trở thành trọng điểm kinh tế biển của thành phố, trở thành đảo thông minh, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Đảo Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế; đảo Cát Hải thành trung tâm dịch vụ cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại...