TP Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái AI - Bài 2: Tiên phong ứng dụng vào thực tiễn

Cùng với làn sóng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh cũng đã nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh các doanh nghiệp công nghệ được xem là “tiên phong”, hiện một số cơ quan, đơn vị của Thành phố đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuyên ngành, giúp giải quyết những bất cập còn tồn tại trong đời sống xã hội.

Làn sóng mới

Chú thích ảnh
Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 Thành phố Hồ Chí Minh là 2 bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Cùng với công tác đào tạo lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam nhanh chóng nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ, nhất là làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng  trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn. Các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, CMC, VNG, Vingroup, các công ty vừa, công ty khởi nghiệp nhỏ đều có sự đầu tư nghiên cứu phát triển các hệ thống thông minh trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Đây là cơ sở để TP Hồ Chí Minh hợp tác phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo.

Xác định xu thế của cả ngành công nghệ thông tin và các ngành công nghiệp dịch vụ truyền thống sẽ hội tụ quanh công nghệ  trí tuệ nhân tạo và các công nghệ liên quan, Tập đoàn FPT đã đầu tư nghiên cứu và xây dựng năng lực trí tuệ nhân tạo với mục tiêu ứng dụng trên ban tầng: các sản phẩm dịch vụ của FPT; các sản phẩm dịch vụ của đối tác; tạo thành công cụ cho cộng đồng sử dụng. Công nghệ trí tuệ nhân tạo được FPT triển khai theo hai hướng tương hỗ là các ứng dụng chuyên biệt theo ngành dọc và các sản phẩm độc lập có khả năng ứng dụng đa ngành.

Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc Khoa học tại Ban Công nghệ FPT, hiện doanh nghiệp đã ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo trong bán lẻ truyền thống và thương mại điện tử. Hoạt động chăm sóc khách hàng và bán hàng được tự động hóa qua chatbot thông minh, quy trình đăng ký thông tin khách hàng được rút gọn bằng công nghệ nhận dạng giấy tờ cá nhân... Trong y tế, FPT đang phát triển hàng loạt các ứng dụng về phân tích bệnh án điện tử, văn bản hóa y lệnh, chẩn đoán hình ảnh, hỏi đáp y khoa.

FPT và các đối tác đã triển khai chatbot bao gồm chăm sóc khách hàng, giao dịch ngân hàng, giải đáp hướng dẫn cho cả khách hàng và nhân viên. Trên thực tế, chatbot thường được triển khai đa kênh và đa phương tiện như email, web, facebook, zalo, viber... trên cùng một hệ thống quản lý. Cách triển khai thống nhất cho phép sản phẩm đáp ứng triệt để nhu cầu của người sử dụng và tạo điều kiện thực hiện các chức năng phân tích, xử lý dữ liệu lớn nhằm triển khai, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã triển khai ứng dụng chatbot.

Ông Đặng Hoàng Vũ đánh giá so với phương pháp thủ công, chatbot tự động có chi phí thấp hơn nhiều và có thể triển khai linh động trên quy mô lớn hoặc nhỏ trong thời gian ngắn. Tại FPT Shop, chatbot đã thay thế được 72% khối lượng phục vụ khách hàng của nhân viên chăm sóc khách hàng trực tuyến.

Trong khi đó, Mobifone đã và đang triển khai nghiên cứu, phát triển hoàn thiện và ứng dụng thực tế là AI Camera, với nền tảng ứng dụng công nghệ Deep Learning cho phép nhận diện khuôn mặt, nhận diện đối tượng, biển số xe, lỗi vi phạm giao thông, thông qua hình ảnh trích xuất từ camera thông thường, không yêu cầu camera chuyên dụng; AI số hóa, với ứng dụng công nghệ xử lý ảnh, phần mềm số hóa dữ liệu chữ viết, chữ in từ ảnh đầu vào và chuyển sang dạng ký tự trên máy tính có thể tìm kiếm được, giải pháp đã được triển khai ứng dụng cho công tác nhận dạng chứng minh thư và căn cước công dân; AI TTS là nền tảng phần mềm ứng dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tự động chuyển văn bản dạng text sang giọng nói tùy chọn theo từng vùng miền ở Việt Nam. Giải pháp được tối ưu cho tiếng Việt có khả năng đọc theo ngữ điệu tự nhiên giống người thật tới hơn 90%.

Ông Dư Thái Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Mobifone cho biết, đơn vị sẵn sàng tham gia thử nghiệm hệ thống giao thông thông minh và hệ thống Mắt thần, có thể tích hợp với trung tâm điều hành đô thị thông minh sẵn có của TP Chí Minh theo yêu cầu. Mobifone mong muốn Thành phố tạo điều kiện nghiên cứu các dịch vụ hành chính công hiện có của Thành phố và ứng dụng công nghệ TTS, triển khai hệ thống tổng đài autocall tự động thông báo trạng thái hồ sơ hành chính.

Mục tiêu dẫn đầu

TP Hồ Chí Minh được xem là đầu tàu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ của cả nước, đã sớm nhập cuộc nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Lãnh đạo Thành phố đang triển khai với tinh thần chủ động và gấp rút trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin toàn thành phố, trở thành một đô thị thông minh và dẫn đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, để thực hiện mục tiêu trên, việc nghiên cứu triển khai trí tuệ nhân tạo được xem là nền móng cơ bản. Đây là một thành phố trẻ với mật độ khoa học công nghệ cao, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở, tổ chức liên quan, có khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và 30.000 doanh nghiệp. Thành phố đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp triển khai và khuyến khích đặt hàng từ chính quyền các sở ban ngành.

Với vai trò là Trưởng phòng Phòng Thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (Đại học Khoa học Tự nhiên), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân là người trực tiếp tham gia nghiên cứu, định hướng phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Đại học Quốc gia cũng như TP Hồ Chí Minh. Cùng với nghiên cứu, ông Vũ Hải Quân nhận định, vai trò của doanh nghiệp trong chương trình thực hiện chiến lược đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Doanh nghiệp và Thành phố sẽ hỗ trợ lẫn nhau để giải quyết các vấn đề và tận dụng tiềm lực cao nhất có thể từ các bên. Một đô thị sáng tạo cần những điều kiện tiên quyết không thể thiếu là đội ngũ chuyên gia giỏi, các công ty khởi nghiệp  trí tuệ nhân tạo, các công ty hàng đầu về  trí tuệ nhân tạo, các trung tâm nghiên cứu, quản trị trên nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Hiện Thành phố đang nỗ lực nghiên cứu ứng dụng  trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn. Tuy nhiên, ông Vũ Hải Quân cho rằng, mọi giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo khi triển khai phải cẩn trọng, áp dụng theo các giai đoạn: triển khai thí điểm trong quy mô nhỏ; ghi nhận dữ liệu về tình trạng hoạt động, số liệu thực tế, phản hồi của người dân. Việc thu thập dữ liệu là rất cần thiết vì giúp thích nghi hóa giải pháp cho điều kiện thực tế; phân tích dữ liệu để cải tiến giải pháp về thuật toán, công nghệ, quy trình; triển khai nhân rộng mô hình ở quy mô lớn dần.

Thời gian gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ ngành đã có những tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số chính sách thúc đẩy phát triển các công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, đưa trí tuệ nhân tạo vào danh mục công nghệ được ưu tiên đầu tư phát triển, xác định trí tuệ nhân tạo là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn cần triển khai nghiên cứu, phát triển Đề án “Phát triển hệ tri thức Việt số hóa” với mục tiêu xây dựng các hệ thống dự liệu lớn dựa trên tri thức của người Việt, phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm KC4.0 và Kế hoạch triển khai “Nghiên cứu và phát triển công nghệ AI đến năm 2025”. Đây là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nghiên cứu, ứng dụng  trí tuệ nhân tạo được thuận lợi.

Dù vậy, theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành công của việc nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phụ thuộc khá nhiều vào sự liên kết, tương tác tứ giác của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gồm Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà đầu tư tài chính; đặc biệt trong bối cảnh Thành phố có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Với định hướng đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lớp tập huấn giới thiệu, cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức về trí tuệ nhân tạo cũng như khả năng, lĩnh vực ứng dụng  trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất. Thông qua việc tập huấn, các cơ quan quản lý nhà nước, đội ngũ lãnh đạo các đơn vị, cộng đồng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, doanh nghiệp được bổ cập những kiến thức về trí tuệ nhân tạo, qua đó ứng dụng một cách linh hoạt và phù hợp công nghệ AI vào công tác quản lý và hoạt động của đơn vị hướng đến mục tiêu chung là xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.

Bài cuối: Tạo tiền đề phát triển trong tương lai

Tiến Lực (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái AI - Bài 1: Những nghiên cứu, ứng dụng bước đầu
TP Hồ Chí Minh xây dựng hệ sinh thái AI - Bài 1: Những nghiên cứu, ứng dụng bước đầu

Với những nghiên cứu cụ thể, từ đầu những năm 1990, một số chuyên ngành của các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh đã triển khai giảng dạy bộ môn liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh thành lập Viện Khoa học Tính toán. Dù mới ở mức sơ khai nhưng đây là nền tảng để TP Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN