Tại sao giấy cắt vào tay lại đau đến thế?

Những tờ giấy trông có vẻ hoàn toàn vô hại nhưng khi cứa vào đầu ngón tay có thể gây ra những cơn đau buốt cùng cực.

Ảnh minh họa.

Vấn đề nằm ở các đầu mút dây thần kinh. Ngón tay chúng ta có hàng triệu đầu mút thần kinh hay những thụ thể thần kinh, nhiều hơn bất cứ bộ phận nào khác trên cơ thể. Những thụ thể này phản ứng với hầu hết tất cả mọi thứ làm tổn thương ngón tay như nhiệt độ cao, chất hóa học… và truyền những tín hiệu lên não để về vết thương mới nhận.

Theo tiến sĩ Hayley Goldbach, bác sỹ da liễu tại đại học California, mặc dù vết cắt do giấy trên cánh tay, bắp đùi, hay mắt cá chân có thể gây phiền toái nhưng không gây đau buốt bằng vết thương ở đầu ngón tay. Ông giải thích: “Đầu ngón tay là nơi có xúc giác nhạy cảm nhất giúp chúng ta cảm nhận sự vật bên ngoài. Vậy nên rất nhiều mút thần kinh tập trung ở đây. Đây là một loại cơ chế an toàn”.

Bên cạnh đó, giấy là một loại vũ khí đáng gờm, có thể gây những cơn đau tê tái. Nguyên nhân là do nhìn bằng mắt thường, cạnh giấy có thể rất thẳng và trơn tru.

Nhưng nếu phóng to, bạn sẽ nhận thấy mép giấy giống hình lưỡi cưa hơn lưỡi dao. Vì vậy, khi giấy cứa vào da, vết thương sẽ là một đường nham nhở chứ không phải một vết rách mịn.

Tính chất này của giấy sẽ tạo ra vết cứa nông nhưng lại có tiết diện rộng hơn. Dù không chảy máu nhiều nhưng vết thương này lại làm cho các mô và tế bào thần kinh lộ diện ra ngoài mà không có lớp bảo vệ. Nếu không được băng bó cẩn thận, vết thương sẽ ngày càng đau buốt. Mỗi khi dùng tay làm việc gì, vết cắt lại “động đậy” tạo nên sự khó chịu, truyền những tín hiệu đau đớn tới não.


Trái lại, một vết thương sâu sẽ dẫn đến chảy máu. Máu sẽ đông lại và đóng vảy, giúp vết thương tránh khỏi những tác động từ bên ngoài. Ngoài ra, các chất hóa học còn sót lại trong quá trình sản xuất giấy cũng có thể làm vết thương nhiễm trùng và khó lành.

Để giải quyết vết thương này, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên bóp nhẹ ngón tay để tạm ngừng cảm giác đau và sau đó hãy dùng băng để buộc kín vết thương lại, tránh tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài gây cảm giác đau đớn.

Lê Huyền (theo BBC)
Giải thích mới về nguyên nhân con người lười vận động
Giải thích mới về nguyên nhân con người lười vận động

Mặc dù lợi ích của việc tập thể dục quá rõ ràng, từ giảm viêm, tăng cường lưu thông máu, đến ngăn chặn bệnh tật, song rất nhiều người vẫn lười vận động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN