Theo đài Sputnik, một nhóm các nhà nghiên cứu Pháp đã chế tạo ra sợi chỉ làm từ tế bào da người để giúp khâu vết thương và chữa lành các phần nội tạng.
Kết quả nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí khoa học Acta Biomaterialia. Các nhà khoa học đã cắt những mảng tế bào da người thành dạng sợi. Những sợi tế bào này phù hợp với mọi hình thức và kỹ thuật phẫu thuật như khâu, đan hoặc nối móc.
“Chúng tôi cũng có thể khâu thành túi, ống, van và màng đục lỗ với loại chất liệu này”, đồng tác giả nghiên cứu Nicholas L'Heureux làm việc tại Đại học Bordeaux (Pháp) giải thích.
Phần lớn các chất liệu khâu hiện đại là sợi tổng hợp, có thể tự phân hủy trong cơ thể người hoặc cần được các bác sĩ phẫu thuật loại bỏ sau khi vết thương lành lại vì cơ thể không tiếp nhận. Chỉ khâu bao gồm các chất polyme hóa học, cụ thể như axit polyglycolic hay các chất không hấp thụ phổ biến nhất là nylon, polyester.
“Các vật liệu sinh học tổng hợp bị hệ thống miễn dịch con người nhận dạng là vật thể ngoại lai, từ đó dẫn đến phản ứng đào thải, thường xảy ra trong các ca cấy ghép”, nhóm nghiên cứu đề cập.
Theo nghiên cứu, cả hai loại chỉ hiện được sử dụng trong y tế có thể gây ra phản ứng bất lợi cho mô và làm quá trình chữa bệnh trở nên phức tạp hơn. Loại chỉ da người mới có thể làm giảm nguy cơ hệ thống miễn dịch phản ứng.
Các nhà khoa học đang thử nghiệm loại chỉ này trên chuột và sắp tới sẽ tiến hành khâu động mạch bị vỡ cho cừu.
Gần đây, cũng có nhiều sáng kiến trong việc chữa trị và làm lành vết thương ở người. Tuần qua, một đội nghiên cứu thuộc Đại học Toronto (Canada) đã tiết lộ một “máy in da” 3D. Họ cho biết có thể đắp một miếng da lớn cho phần bị bỏng. Miếng da này được in từ loại mực sinh học lấy từ tế bào gốc, có khả năng thúc đẩy việc tái tạo da và giảm sẹo.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc chế tạo “keo sinh học”. Loại keo dùng để kết dính vết thương trong vài giây nhờ tia UV kích hoạt. Tuy nhiên, công nghệ này chưa được thử nghiệm trên người.