Tonkotsu ramen là món mì đặc trưng của người dân Nhật Bản, có nước dùng được ninh từ xương lợn. Công ty Nishida Shoun đã tách chiết phần mỡ lợn từ nước dùng tonkotsu ramen còn sót lại sau khi ăn, rồi trộn phần mỡ này với nhiên liệu được làm từ dầu ăn phế thải.
Hiện Nishida Shoun sử dụng loại dầu diesel sinh học này để vận hành một vài xe trong tổng số 170 xe tải của công ty, đồng thời đặt mục tiêu sẽ sử dụng 100% nhiên liệu sạch này cho tất cả các xe từ tháng 9 tới.
Nhiên liệu diesel sinh học được xem là một giải pháp thay thế hiệu quả cho dầu diesel và giúp bảo vệ môi trường nhờ việc làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Chủ tịch của công ty Nishida Shoun, Masumi Nishida đã nảy ra ý tưởng sử dụng nước dùng tonkotsu ramen để sản xuất nhiên liệu vào năm 2013, khi ông trò chuyện với một nhà điều hành dây chuyền sản xuất ramen trong lúc đang tiến hành nghiên cứu về nhiên liệu diesel sinh học có nguồn gốc từ dầu thực vật. Nhà điều hành nói trên cho biết ông đã phải trả tiền để xử lý nước dùng ramen còn sót lại và tự hỏi liệu phần nước dùng còn thừa này có thể được đưa vào sử dụng thay cho dầu thực vật hay không.
Thắc mắc trên khiến ông Nishida, năm nay 74 tuổi, đã phát triển một thiết bị chuyên dụng để tách mỡ lợn ra khỏi nước dùng ramen, có thể được đặt ngay trong gian bếp của các cửa hàng bán ramen. Mặc dù mỡ lợn có xu hướng dễ đông đặc hơn so với dầu thực vật, nhưng ông Nishida đã nghĩ ra một cách để loại bỏ một số nguyên tố trong quá trình tinh chế, theo đó có thể trộn lẫn phần mỡ lợn này với nhiên liệu diesel sinh học làm từ dầu ăn phế thải.
Công ty Nishida Shoun hiện thu mua mỡ lợn và dầu ăn phế thải từ khoảng 2.000 nhà hàng và sử dụng chúng để sản xuất khoảng 3.000 lít nhiên liệu mỗi ngày tại nhà máy của mình.