Đây là bộ sinh phẩm thứ tư được nghiên cứu thành công trong cả nước. Kết quả nghiên cứu được các chuyên gia đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội so với những bộ sinh phẩm khác.
Khi Việt Nam công bố ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020 và trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại một số nước trên thế giới, vào thời điểm đó, với tinh thần và trách nhiệm vì cộng đồng, Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã nghiên cứu, tìm hiểu về tính chất, đặc điểm của dịch bệnh và tin tưởng có thể cùng các đồng nghiệp thực hiện bộ sinh phẩm xét nghiệm, phát hiện virus SARS-CoV-2.
Tiến sỹ Hùng cho biết: "Sau khi tìm hiểu về nguyên lý, đặc điểm của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19, tôi đã đề xuất với lãnh đạo trường để thực hiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR. Đề tài đã được Đại học Thái Nguyên cùng các cơ quan của tỉnh đồng tình ủng hộ và giao nhiệm vụ".
Ngay sau đó, Tiến sỹ Nguyễn Phú Hùng mời thêm một số nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cùng nghiên cứu thực hiện đề tài. Tại thời điểm ấy, Việt Nam đang có 3 bộ kit Realtime RT-PCR đã được cấp phép do các đơn vị gồm: Công ty Việt Á, Công ty Sao Thái Dương và Tập đoàn Vin Group sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, số lượng bộ kit được sản xuất chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước khi dịch bùng phát. Giá thành những bộ kit này vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân và khó đáp ứng đủ nhu cầu trong nước khi dịch bệnh bùng phát.
Tiến sỹ Hùng chia sẻ: “Chúng tôi tiến hành nghiên cứu bộ sinh phẩm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR sử dụng phân chất phát quang Sybr Green. Trong nghiên cứu này, gene E được chọn làm gene đích để phát hiện vật chất di truyền (RNA) của virus. Việc phát hiện virus SARS-CoV-2 sử dụng chất phát quang Sybr Green có ưu điểm là độ nhạy cao, cho phép khuếch đại những đoạn gene ngắn, đặc biệt chu kỳ nhiệt có thời gian ngắn, giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán, giảm chi phí hóa chất dùng trong sản xuất sinh phẩm”.
Mặc dù đã tìm hiểu kỹ, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, cả nhóm vẫn gặp không ít khó khăn. Tiến sỹ Hùng tâm sự: “Có những đêm thức trắng, trăn trở bởi kết quả không thành công, lúc đó tưởng chừng không vượt qua, nhưng với tinh thần quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, cả nhóm lại cùng nhau bắt tay làm lại từ đầu với quy trình tỉ mỉ hơn và thận trọng hơn”.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hương, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, thành viên trong nhóm nghiên cứu tâm sự: “Là phụ nữ, lại có con nhỏ, có nhiều hôm phải làm tới khuya, vừa nhớ con, vừa căng thẳng trong công việc, nhưng được sự động viên của gia đình, của đồng nghiệp và đặc biệt là hiểu được tầm quan trọng của bộ xét nghiệm trong thời điểm này, tôi tự nhủ phải mạnh mẽ hơn, cố gắng nhiều hơn nữa”.
Tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được lan tỏa tới cả nhóm nghiên cứu, từ Tiến sĩ Lê Thị Thanh Hương, Thạc sĩ Ngô Thu Hà hay cử nhân Nguyễn Văn Long… Tất cả cùng dồn tâm huyết cho công trình khoa học ý nghĩa này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Nhóm các nhà khoa học của trường đã từng thành công ở nhiều đề tài khoa học lớn cấp quốc gia. Tuy nhiên, đề tài lần này mang ý nghĩa hết sức nhân văn, đó là chung tay, góp sức cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19. Thành công này mở ra một con đường mới trong nghiên cứu khoa học tại trường”.
Tại buổi nghiệm thu cấp tỉnh, đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR” đã được Hội đồng khoa học và công nghệ (gồm các chuyên gia và nhà nghiên cứu đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Kiểm định quốc gia Vắcxin và Sinh phẩm y tế - Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Đại học Việt - Pháp) đánh giá cao hướng tiếp cận, kết quả nghiên cứu của đề tài và xếp loại giỏi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu vi sinh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, thành viên của Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp tỉnh, đã đánh giá cao nỗ lực của các nhà khoa học và những kết quả nghiên cứu của đề tài. Hiện nay, việc phòng chống dịch phải tuân thủ quy tắc “phát hiện, cách ly và truy vết”, trong đó điều kiện quan trọng của “phát hiện” là xét nghiệm. Vậy nên, nhu cầu về bộ kit trong nước cũng như trên thế giới là rất lớn. Việc đề tài thành công sẽ mang lại ý nghĩa lớn trong phòng, chống dịch hiện nay.
Tính ưu việt của sản phẩm cũng đã được các nhà khoa học tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đánh giá cao. Tiến sĩ Bùi Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Miễn dịch di truyền phân tử, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của nhóm tác giả Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên nghiên cứu có nhiều tính năng vượt trội so với những bộ kit mà chúng tôi đã sử dụng trước đây. Đó là thời gian cho kết quả xét nghiệm nhanh hơn, độ chính xác cũng cao hơn. Đặc biệt, việc nghiên cứu thành công bộ kit sẽ giúp cho công tác chống dịch nhanh hơn rất nhiều vì có những ngày, chúng tôi phải xét nghiệm tới gần 1.000 mẫu bệnh phẩm, trong khi không có đủ bộ kit, nên phải đặt mua, điều này làm ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ phòng chống dịch”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Bộ sinh phẩm đã đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng chẩn đoán, về độ nhạy lâm sàng, độ đặc hiệu lâm sàng, độ đặc hiệu phân tích, ngưỡng phát hiện phản ứng; độ bền (ổn định)… Đặc biệt, thời gian thực hiện phản ứng Realtime PCR dao động từ 1 giờ đến 1 giờ 15 phút tùy theo từng hệ thống PCR, nhanh hơn so với hầu hết các bộ kit Realtime PCR hiện nay từ 25 - 30 phút. Giá thành dự kiến giảm khoảng 15 - 30% so với một số bộ kit đang được sử dụng hiện nay”.
Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi nghiệm thu chính thức và công bố kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với bộ sinh phẩm này, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện bàn giao tài sản của nhiệm vụ khoa học công nghệ theo đúng quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và bàn giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Tỉnh sẽ lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, cấp phép theo quy định, phục vụ phương án sản xuất đại trà bộ sinh phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch COVID-19 đang cấp bách hiện nay.
Có thể nói, với thành công của công trình nghiên cứu này, các chiến sĩ khoa học của tỉnh Thái Nguyên đã chiến thắng trên mặt trận chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng cùng với cả nước đẩy lùi dịch bệnh.