Người phụ nữ được cấy tai in 3D

Các bác sĩ đã lần đầu cấy ghép thành công tai in 3D cho một người phụ nữ tại Mỹ. Điều đặc biệt là chiếc tai giả được phát triển từ tế bào của chính bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân Alexa trước khi phẫu thuật và 30 ngày sau khi phẫu thuật. Ảnh: RT

Theo đài RT (Nga), cô Alexa, 20 tuổi, sống tại Mexico, đã trở thành bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép tai thành công nhờ công nghệ in 3D sử dụng tế bào của con người. Tờ New York Times cho biết người phụ nữ này mắc một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, khiến phần ngoài tai phải phát triển nhỏ và biến dạng.

Tiến sĩ Aruto Bonilla - bác sĩ phẫu thuật tái tạo chuyên về tai ở San Antonio, Texas, người đã thực hiện ca phẫu thuật - cho biết ông đã lấy nửa gam sụn từ tai của Alexa và thực hiện quét 3D tai trái khỏe mạnh của cô. Sau đó, ông gửi các tài liệu đến công ty y học tái tạo 3DBio Therapeutics, có trụ sở tại Queens, New York.

3DBio đã sử dụng mẫu mô để nuôi cấy hàng tỷ tế bào, sau đó trộn với một loại mực collagen đặc biệt do công ty tự chế tạo. Hỗn hợp này sau đó được đưa vào máy in sinh học 3D chuyên dụng để tạo ra bản sao tai khỏe mạnh của bệnh nhân. Toàn bộ quá trình chỉ mất chưa đầy 10 phút.

Chiếc tai in 3D sau đó được bảo quản lạnh và chuyển cho bác sĩ phẫu thuật Bonilla. Ông đã thực hiện cấy tai dưới da của Alexa, ngay trên xương hàm của cô . Công ty 3DBio cho biết chiếc tai sẽ tiếp tục tái tạo mô sụn cho đến khi có hình dáng và cảm giác như tai tự nhiên.

Alexa cho biết cô rất vui khi được cấy tai mới, dù chiếc tai vẫn chưa phát triển hoàn toàn. Cô gái 20 tuổi cũng chia sẻ rằng khi còn nhỏ cô chưa ý thức được về ngoại hình của mình, nhưng khi bước vào tuổi thiếu niên, cô bắt đầu tự ý thức hơn về điều đó. Alexa cho biết thêm rằng cô đã quen với việc bịt tai phải bằng cách đeo khuyên tai, để tóc dài và xõa.

3DBio đã công bố kết quả phẫu thuật tái tạo của Alexa trong một thông báo trên trang web của mình. Công ty đang tham gia một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá hiệu quả của công nghệ này. Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên 11 bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết vẫn có khả năng ca cấy ghép không thành công hoặc mang lại những biến chứng không lường trước cho sức khỏe. Tuy nhiên, vì các tế bào  in 3D được lấy từ mô của chính bệnh nhân, nên họ cho rằng không có khả năng mô cấy ghép không tương thích với cơ thể.

Vân Khánh/Báo Tin tức
Bỉ ứng dụng công nghệ in 3D trong lĩnh vực cấy ghép y học
Bỉ ứng dụng công nghệ in 3D trong lĩnh vực cấy ghép y học

Cấy ghép 3D đang được phát triển để điều trị cho những bệnh nhân - vì lý do chấn thương nặng, tai nạn hoặc bệnh tật - không thể trông cậy vào việc điều chỉnh mô xương mà không cần cấy ghép, vì “lỗ hổng” quá lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN