Dự án giúp vùng cao bớt 'khát'

Thành công của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng giải pháp cấp nước hữu hiệu phục vụ sinh hoạt và sản xuất vùng di dân tái định cư hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ" do PGS.TS.Nguyễn Quốc Dũng làm chủ nhiệm đã góp phần giúp đồng bào Lai Châu ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, giữ làng. Dự kiến, kết quả của đề tài sẽ được nhân rộng cho nhiều tỉnh ở vùng trung du và miền núi trong cả nước.

 

Phát triển đề tài trên nền tảng sẵn có


Đề tài đã thực hiện khảo sát gần 4.000 hộ dân tại các khu tái định cư khác nhau theo Chương trình di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ. Theo nhóm các nhà nghiên cứu, khi mực nước hồ Sơn La ở mức độ bình thường thì hai huyện này đều đã có công trình cấp nước sinh hoạt và nước được cấp đến từng hộ gia đình, nhưng những công trình dẫn nước này đã dần xuống cấp do nhiều công trình đầu mối bị cát sỏi bồi lấp dẫn đến hiện tượng nguồn nước dẫn về hộ gia đình bị giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, có tới hơn 65% hệ thống kênh, đường ống cấp nước từ đầu mối về các bản bị hư hỏng nặng do ống nước cách xa khu dân cư, ảnh hưởng đến việc lấy nước phục vụ sinh hoạt gia đình.


 

Đề tài đã giúp giải quyết một phần khó khăn cho bà con vùng cao.

 

Từ thực tế đó, PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng và cộng sự đã đổi mới cách tiếp cận riêng cho đề tài theo hai ý tưởng đó là:Ý tưởng làm hệ thống hào thu nước mái đồi và ý tưởng làm đập ngầm trên suối. Chính từ ý tưởng này đã hình thành hai mô hình thí điểm thực hiện tại hai địa điểm khác nhau tại xã Chăn Nưa và xã Nậm Cha thuộc huyện Sìn Hồ, Lai Châu. Trải qua quá trình thực hiện, ý tưởng thu gom nước theo mô hình đập ngầm trên suối đã được lựa chọn vì đạt hiệu quả cao.


Với hơn 1.000 nhân khẩu tại xã Nậm Cha, huyện Sìn Hồ, nơi đã có công trình cấp nước sinh hoạt đầu mối còn sử dụng được nhưng nằm cách xa dân nên đường ống đã bị hỏng, nhóm nghiên cứu đã lắp đặt mô hình thử nghiệm trên phần công trình đầu mối, giải pháp công trình nghiên cứu có kết cấu rãnh khá đặc biệt, cho phép nước chảy trong rãnh và được chế tạo trên dây chuyền công nghiệp hiện đại. Nước trong đất thu vào băng thu theo nguyên lý mao dẫn (mao dẫn là hiện tượng chất lỏng trong ống có tiết diện nhỏ được dâng lên hoặc hạ xuống so với mực chất lỏng trong bình). Nguyên lý này khiến cho cát và bụi không chui vào đường ống, hệ thống lọc nên không có hiện tượng tắc. Công trình cấp nước mới theo công nghệ đập ngầm đã đáp ứng nhu cầu dùng nước của 105 hộ gia đình với trên 500 nhân khẩu. Trường Trung học cơ sở Nậm Cha và khu trung tâm xã cũng được cấp nước với lưu lượng ổn định 45 lít/phút.

 

Tăng giá trị sử dụng và giảm chi phí


Theo đánh giá của PGS.TS. Vũ Văn Thặng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công trình có giá trị thực tiễn cao, đã đáp ứng được yêu cầu về độ bền vững vì đặt ngầm trong lòng đất, đặt được trên nhiều địa hình nên chất lượng tốt và nhất là tránh được hư hại công trình do mưa lũ. Nước của công trình trong vắt ngay cả trong mùa lũ, chất lượng đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm TCVN.


PGS.TS. Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh: Chi phí xây dựng công trình đầu mối bằng đập ngầm so với công trình truyền thống chỉ bằng 54%. Nếu cải tạo đập cũ bằng cách lắp đặt thêm hệ thống lọc thì chỉ cần bỏ ra 20 - 30% so với chi phí đầu tư làm mới công trình.


Là người theo dõi đề tài từ khi bắt đầu đến khi nghiệm thu, ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên Giám đốc Sở KH&CN Lai Châu, nay là Phó trưởng ban KH&CN địa phương, Bộ KH&CN chia sẻ: Đa số các công trình đập dâng nước hiện nay nằm quá xa người sử dụng. Lý do là phải chọn được vị trí có địa hình địa chất phù hợp. Đường ống quá dài, chi phí tốn kém. Giải pháp đã làm của đề tài cho phép rút ngắn đường ống chỉ còn 1/2 so với cũ. Công trình nghiên cứu đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về nước vốn rất khó khăn của đồng bào.


Hai công trình thử nghiệm do đề tài lắp đặt theo công nghệ mới đã được đưa vào sử dụng mùa khô năm 2012, cấp nước đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nước cho 154 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu. Kết quả này được địa phương đánh giá rất cao. Hiện nhiều bản xã Nậm Cha cũng như những xã khác chưa có nước có thể làm theo cách này, đặc biệt, công nghệ mới của công trình nghiên cứu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, giảm chi phí sửa chữa hệ thống cấp nước, người dân cũng bớt nhọc nhằn khi hàng ngày phải đi lấy nước hàng chục km, góp phần giúp đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, giữ làng.


Ông Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh: Kết quả đề tài nghiên cứu rất tốt, khả năng nhân rộng là rất cao, nhưng để kết quả nghiên cứu này đến với người dân nhanh và hiệu quả thì cần sự chung tay của các cơ quan quản lý, nhất là lãnh đạo các địa phương. Cũng theo ông Nguyễn Hồng Hà, từ thành công tại Lai Châu, nhóm nghiên cứu đề tài đã lên kế hoạch hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho các tỉnh vùng trung du và miền núi trong cả nước.

 

H.L

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN