Sau sáng chế máy tách ngô đem lại hiệu quả thiết thực, anh nông dân Hứa Văn Long, dân tộc Tày, ở xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) lại tiếp tục sáng chế thành công máy ép phân viên nén dúi sâu. Không chỉ được coi là “vua” sáng chế máy nông nghiệp, anh Long còn là người đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Tuyên Quang.
Anh Hứa Văn Long bên chiếc máy do mình tự sáng chế. Ảnh: Internet |
Năm 2011, được sự hỗ trợ của tổ chức Codespa (tổ chức phi Chính phủ của Tây Ban Nha), tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện dự án áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa tại 50 xã, ở 3 huyện: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn (dùng các viên phân đã được ép sẵn từ 2 loại phân đơn là đạm và kali với một tỷ lệ thích hợp dúi xuống phía dưới bộ rễ của cây lúa mới cấy tạo thành kho dự trữ thức ăn cho cây trong suốt quá trình sinh trưởng, hạn chế thấp nhất lượng phân bốc hơi và rửa trôi. Cách bón phân này rất thích hợp với miền núi, nơi ruộng canh tác thường bị dốc). Kết quả, năng suất lúa tại các xã thực hiện dự án áp dụng phân viên nén dúi sâu, tăng 15 - 20% so với áp dụng phân vãi. Ngoài ra, việc áp dụng phân viên nén dúi sâu còn giảm công lao động (giảm 30 công lao động/ha/vụ). Từ hiệu quả của dự án trên, theo anh Long cho biết, anh đã nảy ra ý tưởng sáng chế máy ép phân viên nén dúi sâu.
Máy ép phân viên nén dúi sâu do anh Long sáng chế khá gọn, có kích thước chiều dài 1,2 m, rộng 0,7 m và cao 1,5 m, trọng lượng 550 kg. Công suất máy mỗi ngày sản xuất ra 4 tấn phân viên nén dúi sâu, đủ bón cho 16 ha lúa trong cả vụ. Chiếc máy được hoạt động theo nguyên lý, từ động cơ 7,5 KW, được gắn liền với hộp đồng tốc nối với 2 trục gắn bánh răng có đường kính 250 mm cùng trục với bánh răng là 2 quả lô ép tạo hình sản phẩm. Khi sản phẩm ra khỏi máy, chảy qua lồng sàng để loại bỏ sản phẩm khiếm khuyết không đủ tiêu chuẩn, sản phẩm còn lại trên sàng chảy vào thùng chứa đảm bảo hình dáng, trọng lượng và chất lượng như nhau.
Theo anh Long cho biết, để sáng chế thành công chiếc máy này, có 4 cụm chi tiết anh phải mua và đặt hàng là động cơ điện, hộp đồng tốc, quả lô và vòng bi. Cũng theo anh Long, trong quá trình nghiên cứu và thi công, khó khăn lớn nhất là gia công đúc 2 quả lô để nén ép sản phẩm. Và để có 2 quả lô ưng ý, anh đã phải về tận Hà Nội đặt đúc gia công, do ở Tuyên Quang không có nơi nào gia công được.
Từ khi chiếc máy ép phân viên nén dúi sâu do anh Long sáng chế ra đời đã giúp nông dân tỉnh Tuyên Quang chủ động được sản xuất, giảm công vận chuyển phân viên nén dúi sâu . Ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang nhận xét: Mặc dù chiếc máy ép phân viên nén dúi sâu do anh Long sáng chế có giá cao hơn những chiếc máy cùng loại đang bán trên thị trường, nhưng lại có nhiều ưu điểm như chỉ cần 1 người cũng di chuyển được máy, nhờ hệ thống 4 bánh cao su gắn vào đế máy, trong khi máy cùng loại phải 5 người mới di chuyển được; công suất gấp 2,3 lần đạt 4 tấn/ngày (chiếc máy cùng loại công suất chỉ có 1,7 tấn sản phẩm/ngày)…
Hiện chiếc máy ép phân viên nén dúi sâu do anh Long sáng chế có giá 60 triệu đồng và anh vẫn đang nghiên cứu tìm cách hạ giá thành máy. Theo anh Long giải thích: Giá càng thấp thì mới bán được nhiều máy và mới phù hợp với điều kiện của nông dân miền núi.
Vũ Quang Đán