Theo các nhà phân tích, nhân tố chủ chốt nhất răn đe ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 chính là một hệ thống của Nga có tên “Vành đai” (Perimeter), được Mỹ gọi với biệt danh “Bàn tay chết chóc”. Hệ thống này sẽ ra lệnh tiến hành một đòn tấn công hạt nhân trả đũa ngay cả khi các đường dây thông tin chỉ huy của lực lượng tên lửa chiến lược bị phá hủy.
Thông thường, việc điều khiển, chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược được thực hiện thông qua hệ thống “Kazbek” - một va li hạt nhân nổi tiếng với mã danh Cheget. Còn “Vành đai” là hệ thống chỉ huy kế tiếp, được thiết kế để tự động kiểm soát các cuộc tấn công hạt nhân.
Việc phát triển hệ thống đánh trả hạt nhân này được bắt đầu vào giữa thời kì Chiến tranh Lạnh, với tư cách là một hệ thống chiến tranh điện tử, sau đó không ngừng được hoàn thiện và hiện nay có thể đạt tới khả năng cản trở các kênh điều khiển thông thường với lực lượng hạt nhân chiến lược.
Ban đầu phương pháp sao chép dữ liệu được sử dụng để bảo đảm lệnh điều khiển sẽ tới được các kíp phóng. Sau đó, ý tưởng này được phát triển sang một nấc mới: Sử dụng một tên lửa có trang bị các bộ truyền phát sóng radio cực mạnh, đóng vai trò là đường truyền dẫn thông tin. Khi bay trên lãnh thổ Liên Xô, tên lửa này sẽ gửi yêu cầu phóng không chỉ đến các trung tâm điều khiển lực lượng chiến lược, mà còn trực tiếp đến các máy phóng.
Ngày 30/8/1974, sắc lệnh mật số № 695-227 của Liên Xô quy định văn phòng thiết kế Dnepropetrovsk, một tổ hợp chế tạo tên lửa xuyên lục địa, là người thiết kế hệ thống này.
Trong thời bình, "Vành đai" nằm im, nhưng vẫn phân tích các dữ liệu thu nhận được. Ảnh: PhotoXpress |
Tên lửa UR-100UTTKh (được NATO định danh là Spanker) được xem là trung tâm của hệ thống nói trên. Các lần bay thử nghiệm được tiến hành năm 1979 và lần đầu tiên được phóng thành công kèm bộ truyền sóng là vào ngày 26/12/1979. Đến tháng 11/1984, tên lửa điều khiển được phóng từ Polotsk và truyền lệnh phóng tới một cơ sở tên lửa xuyên lục địa RS-20 (SS-18 Satan) ở Baikonur. Quả RS-20 này được phóng lên sau đó và liền sau đó đầu đạn đi trúng mục tiêu ở trường bắn Kura nằm trên bán đảo Kamchatka.
Tháng 1/1985, hệ thống “Vành đai” được chính thức phiên chế vào lực lượng. Kể từ đó đến nay, sau nhiều lần cải tiến, các tên lửa xuyên đạn đạo xuyên lục đia đã được sử dụng như là những tên lửa điều khiển.
Hệ thống “Vành đai” bao gồm các tên lửa đạn đạo điều khiển. Thay vì bay thẳng tới mục tiêu kẻ thù, chúng sẽ bay trên bầu trời Nga. Thay vì sử dụng các đầu đạn nhiệt hạt nhân, chúng sẽ mang theo các hệ thống truyền dẫn có thể gửi tín hiệu điều khiển phóng tới mọi tên lửa được đặt trong hầm ngầm, máy bay, tàu chiến, bệ mặt đất. Hệ thống hoàn toàn tự động, nhân tố con người hầu như được loại bỏ.
Quyết định phóng tên lửa điều khiển được thực hiện bởi hệ thống điều khiển, kiểm soát tự động - một hệ thống phân tích tình báo tự động phức tạp. Nó nhận và phân tích nhiều nguồn thông tin về các hoạt động địa chấn, phóng xạ, áp suất khí quyển và sự tập trung tần số sóng radio quân sự. Nó giám sát hoạt động đo đạc từ xa thông qua các chốt quan sát của lực lượng tên lửa chiến lược và số liệu từ hệ thống cảnh báo sớm (EWS). Khi phát hiện ra một điểm có sự i-on hóa mạnh cùng với bức xạ sóng điện từ, hệ thống sẽ so sánh với các dữ liệu địa chấn bất ổn tại chính khu vực đó, quyết định xem có tiến hành đòn tấn công quân sự tổng lực hay không. Trong trường hợp này, “vành đai” sẽ tự khởi động đòn đáp trả, vượt qua cả "vali hạt nhân Kazbek".
Một tình huống khác là: Nếu như lãnh đạo cấp cao nhận được thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm rằng một nước khác đã phóng tên lửa, nó sẽ kích hoạt “vành đai”. Nếu việc điều khiển không bị mất trong vòng một thời gian, hệ thống sẽ phóng tên lửa. Điều này sẽ giúp loại bỏ yếu tố con người và bảo đảm sẽ có đòn giáng trả hạt nhân ngay cả khi các đội điều khiển, phóng tên lửa bị hủy hoại hoàn toàn.
Trong thời hòa bình, ‘vành đai” nằm im, nhưng nó vẫn tiếp tục phân tích các thông tin nhận được. Khi hệ thống được đặt trong trạng thái báo động cao, hoặc là khi nhận được tín hiệu cảnh báo từ EWS, lực lượng chiến lược, hoặc các hệ thống khác, một mạng lưới cảm biến giám sát sẽ được phóng đi để xác định các tín hiệu nổ hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần trấn an các chính phủ nước ngoài rằng, sẽ không có nguy cơ nào về một vụ phóng tên lửa không kiểm soát. Trước khi phóng, “Vành đai” sẽ kiểm tra đủ 4 điều kiện: Liệu có một vụ tấn công hạt nhân vừa diễn ra; sau đó là kiểm tra đường thông tin đến Bộ Tổng tham mưu. Nếu đường dây vẫn hoạt động, hệ thống tự động tắt. Nếu Bộ Tổng tham mưu không có phản ứng, “Vành đai” sẽ gửi yêu cầu tới Kazbek. Nếu lại không có phản ứng một lần nữa, các phân tích tình báo nhân tạo sẽ cho phép bất kì một chỉ huy nào ở boongke quyền ra quyết định. Chỉ khi đó mới có hành động đáp trả thực sự.
HT (
Rossiyskaya Gazeta)