Rời khỏi phòng thí nghiệm
Được triển khai nghiên cứu từ năm 2016 và thử nghiệm trong khuôn viên doanh nghiệp, từ năm 2019, xe tự lái của Việt Nam chính thức được thử nghiệm trên hiện trường, tại khu đô thị Ecopark và tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.
Tại chương trình trải nghiệm vào tháng 11/2019, anh Nguyễn Đức Linh, nhân viên hướng dẫn, giới thiệu cách hoạt động của xe: Trên màn hình, những vòng tròn màu da cam biểu thị cảm biến lidar (đo khoảng cách tới mục tiêu bằng tia laze). Vật thể màu vàng thể hiện hình người.
Xe khi cảm nhận được người/vật cản xuất hiện ở gần sẽ tự động dừng lại. Xe luôn nhường các vật cản. Xe tự lái chạy trình diễn trên quãng đường gần 1 km (cả đi và về). Khi đặt trên ứng dụng, khách hàng chọn điểm đầu và điểm cuối, sau đó bấm nút hoạt động của xe và xe tự đi theo lập trình. Anh Dương Đình Long (sinh viên Đại học Thương mại) tham gia trải nghiệm nhận xét: Xe chạy khá an toàn, tuy nhiên hơi chậm nên có thể di chuyển trong các khu đô thị, resort…
Còn anh Vũ Y Doãn (Cầu Giấy) thì đánh giá: Xe nhận biết vật cản khá nhạy, khựng lại nhanh. Tuy nhiên, công nghệ như vậy áp dụng vào đường sá Việt Nam luôn nhiều phương tiện mà xe lại không vượt bất kỳ vật cản nào thì sẽ không biết bao giờ mới đến đích được? “Xe tự hành còn cần thời gian phát triển thêm, nhưng hứa hẹn nếu phát triển tốt thì sẽ tiết kiệm được nhân công”- anh Doãn bình luận.
Trong lần trình diễn trước, vào tháng 4, với sự hỗ trợ của Yamaha, FPT Software đã tạo ra chiếc xe điện tự lái và cho chạy thử nghiệm tại Ecopark. Phần cứng của xe như khung gầm, pin, mô tơ điện,... do Yamaha thực hiện, còn hệ thống tự lái do FPT phát triển và hoàn thiện. Công nghệ xe tự lái do FPT Software phát triển được đánh giá đang ở cấp độ 3 dựa trên thang đo 5 cấp độ xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư xe hơi (SAE). Ở mức độ 3, người lái có thể buông tay, nói chuyện, trao đổi trong khi xe chạy tương đối thông minh.
Ông Nguyễn Đức Kính, Phó Tổng giám đốc FPT Software nhận định: Để phát triển xe tự lái, bên cạnh yếu tố công nghệ còn cần chính sách vĩ mô của Nhà nước và quy hoạch đô thị. Các nước phát triển đặt mục tiêu đến năm 2040 có tỷ lệ nhất định xe điện tự lái. “Do đó, theo tôi, sau năm 2040, xe tự lái sẽ áp dụng thực tế tại Việt Nam”, ông Kính nhận định. Để xe tự lái có thể vào áp dụng thực tế, theo các chuyên gia, trước tiên cần có hành lang pháp lý, trong đó cho phép thử nghiệm xe tự lái trong khu vực nhất định. FPT cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho thử nghiệm công nghệ xe tự lái trong khuôn viên khu công nghệ cao. Sau các đợt thử nghiệm, doanh nghiệp đang nghiên cứu bổ sung thêm một số tính năng mới, gia tăng độ chính xác về khả năng di chuyển.
Xu hướng tất yếu
Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) đánh giá: Việc thử nghiệm xe tự lái tại Việt Nam đang ở bước khởi đầu và luôn nhận được sự quan tâm từ phía Bộ Giao thông Vận tải. Một số doanh nghiệp trong nước đã có những chuyển đổi số mạnh mẽ trong sản xuất - kinh doanh, thể hiện sự sẵn sàng của Việt Nam.
Trên thực tế, làn sóng phát triển xe tự lái đã trở nên ngày càng phổ biến hơn tại các quốc gia Đông Nam Á. Các chương trình thử nghiệm xe tự lái đang được thực hiện dưới nhiều hình thức. Bangkok (Thái Lan) thử nghiệm xe tuk-tuk để các nhà thử nghiệm thu thập dữ liệu trong môi trường thực tế với lưu lượng giao thông hỗn hợp, từ đó mở rộng dự án và công nghệ ra cho các phương tiện lớn hơn. Còn Singapore được đánh giá là quốc gia đang dẫn đầu cuộc đua về xe tự lái ở khu vực. Quốc gia này đứng thứ 2 trong số 25 quốc gia trên thế giới đã sẵn sàng cho công nghệ xe tự hành nhờ cơ sở hạ tầng đường bộ phát triển, giảm tắc đường cũng như ban hành luật cho phương tiện tự hành.
“Việc đưa các phương tiện tự lái vào cuộc sống vẫn gặp nhiều thách thức. Trong đó, hai thách thức lớn cần phải vượt qua bao gồm công nghệ và mô hình kinh doanh có thể sinh lời”, bà Michelle Avary, người đứng đầu mảng phương tiện di động tự hành tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết. Để chuẩn bị cho nguồn nhân lực về xe tự lái, trong 4 năm qua, FPT phối hợp với các trường đại học tổ chức thi về lập trình công nghệ xe tự hành trên mô hình. Các đội sinh viên lập trình, ứng dụng công nghệ xử lý ảnh, đi đúng làn đường, đi theo biển báo giao thông, tránh chướng ngại vật tĩnh, xử lý ánh sáng thay đổi, tránh các xe đi thuận, ngược chiều… trong điều kiện mô phỏng môi trường thực tế.
Để sản xuất một chiếc xe ôtô tự lái, quan trọng nhất là phần mềm điều khiển, kết hợp với một loạt các công nghệ đi kèm như bản đồ được lập trình sẵn, radar, cảm biến laser và camera… Những công nghệ này hiện không hề xa lạ với các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Tuy nhiên, ứng dụng này phải được thử nghiệm và xử lý với những tình huống trên thực tế. Với những bước tiến trong thử nghiệm và các khâu chuẩn bị về nhân lực, hy vọng công nghệ xe tự lái sẽ sớm thành hiện thực tại Việt Nam.
Từ năm 2016, FPT đã nghiên cứu về xe tự lái và cuối năm 2017, FPT công bố chiếc xe hơi thử nghiệm công nghệ tự lái đầu tiên ở Việt Nam, thử chạy quanh khu FPT Sofware TP Hồ Chí Minh. Hiện FPT có xe điện tự lái chạy ở Đà Nẵng (có thể chạy vòng quanh F-Complex, FPT Software Đà Nẵng). Các xe tự lái này có tốc độ di chuyển 20 - 25 km/giờ và đạt tốc độ 40 km/giờ trên đường thẳng, tự căn làn, rẽ theo vạch đường, tránh vật cản hoặc phanh gấp khi cần; không gây ra sự cố trong điều kiện thời tiết khác nhau như nắng, mưa, ánh sáng yếu…