Tự chủ vật liệu mới - bước tiến vững chắc trong ứng dụng công nghệ

Việc làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu mới có khả năng cho sóng điện từ xuyên qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng của các nhà khoa học trong nước trong việc nâng cao năng lực tự chủ công nghệ.

Chú thích ảnh
Viettel High Tech đã triển khai các trạm gốc 5G. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Đây là kết quả nổi bật của nhóm nghiên cứu Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội), vừa được trao giải Ba tại Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024.

Công trình không chỉ giúp khắc phục tình trạng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, mở ra triển vọng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như thông tin liên lạc, khí tượng, giao thông thông minh, thiết bị hàng hải và hàng không. Thành công này cũng thể hiện tinh thần cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Từ nghiên cứu đến thực tiễn

Theo Thạc sỹ Vũ Tiến Đạt, Chủ nhiệm công trình, trước đây, các thiết bị truyền và thu tín hiệu như ăng-ten, radar, máy đo khí tượng thường sử dụng lớp vỏ bảo vệ làm từ vật liệu đặc biệt cho phép sóng điện từ đi qua. Tuy nhiên, loại vật liệu này hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, giá thành cao, đôi khi không thể tiếp cận được do bị hạn chế sản xuất hoặc không được phép bán ra thị trường.

Từ nhu cầu thực tế đó, nhóm kỹ sư tại Viện Hàng không Vũ trụ đã nghiên cứu, phát triển thành công loại vật liệu mới có tính trong suốt với sóng điện từ, đồng thời chịu được nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, mưa gió và môi trường ăn mòn như sương muối. Vật liệu này đã được ứng dụng làm vỏ bảo vệ cho nhiều thiết bị điện tử ngoài trời, các bộ phận phát, thu sóng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt hoặc khu vực đặc thù như ven biển, đảo xa.

Không dừng lại ở việc chế tạo thành công, nhóm nghiên cứu còn thiết kế quy trình sản xuất đơn giản, dễ triển khai tại Việt Nam, không cần đầu tư thiết bị lớn. Sản phẩm có thể tùy chỉnh theo yêu cầu sử dụng và phù hợp với nhiều loại thiết bị khác nhau. Đặc biệt, chi phí sản xuất trong nước giảm từ 80 đến 90% so với hàng nhập khẩu, giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách và tăng khả năng chủ động trong triển khai.

Hiện nay, vật liệu này đã được đưa vào sử dụng thực tế trong các thiết bị công nghệ của Tập đoàn, như ăng-ten di động, nắp che radar, vỏ thiết bị thu, phát tín hiệu. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đang phối hợp với các đơn vị khác để mở rộng ứng dụng sang các hệ thống giám sát thời tiết, trạm thu tín hiệu vệ tinh và các thiết bị truyền dữ liệu đặt ngoài trời ở vùng sâu, vùng xa. Tại một số cơ sở hạ tầng viễn thông thuộc khu vực biên giới và miền núi, vật liệu mới đã được thử nghiệm thay thế cho các lớp vỏ cũ, cho thấy hiệu quả cao về độ bền, khả năng truyền tín hiệu và tính ổn định trong điều kiện khắc nghiệt.

Trong lĩnh vực giao thông thông minh và đô thị hiện đại, vật liệu này có thể sử dụng để bảo vệ các thiết bị cảm biến đặt trên cao, như hệ thống giám sát tốc độ, thu phí không dừng hoặc thiết bị đo chất lượng không khí. Việc sử dụng vật liệu do Việt Nam tự sản xuất không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhập khẩu mà còn giảm thời gian thay thế, bảo trì do có thể điều chỉnh thiết kế theo thực tế từng công trình.

Thạc sỹ Vũ Tiến Đạt cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và thiết bị định vị cũng đang bày tỏ quan tâm đến vật liệu này, vì tính năng chịu ăn mòn tốt và khả năng đảm bảo tín hiệu định hướng trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Trong giai đoạn tới, nếu được mở rộng sản xuất và ứng dụng, vật liệu này có thể góp phần vào việc nâng cấp hạ tầng giám sát biển, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững và bảo vệ môi trường.

Công trình đã được đăng ký sáng chế, trong đó có sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ. Đây là minh chứng rõ ràng cho năng lực sáng tạo và làm chủ công nghệ của đội ngũ kỹ sư trong nước, đồng thời khẳng định tiềm năng thương mại hóa và phát triển sản phẩm công nghệ cao do chính người Việt Nam nghiên cứu.

Cụ thể hóa định hướng phát triển khoa học công nghệ

Thiếu tá, Tiến sỹ Phạm Kỳ Nam, đồng chủ nhiệm công trình khẳng định: Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã tạo nền tảng quan trọng để nhóm nghiên cứu xác định rõ mục tiêu tự chủ công nghệ. Việc làm chủ vật liệu mới không chỉ mang lại hiệu quả kỹ thuật và kinh tế, mà còn góp phần cụ thể hóa chính sách của Đảng về đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cốt lõi và nâng cao năng lực đội ngũ nghiên cứu trong nước.

Theo tinh thần của Nghị quyết số 57, việc làm chủ công nghệ cốt lõi là nền tảng để tăng cường năng lực tự chủ, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh tế số, công nghiệp công nghệ cao và ứng phó hiệu quả với những thách thức mới trong thời đại chuyển đổi số.

Công trình vật liệu mới là minh chứng cụ thể cho việc áp dụng định hướng đó vào thực tiễn. Từ một bài toán tưởng chừng chỉ giải quyết trong phạm vi kỹ thuật, nhóm nghiên cứu đã mở rộng ứng dụng sang nhiều lĩnh vực dân sinh như viễn thông, khí tượng, hàng hải, hàng không, giao thông thông minh và quan trắc môi trường. Việc nội địa hóa toàn bộ quy trình sản xuất đã góp phần giảm chi phí đầu tư, đảm bảo tính linh hoạt trong triển khai, đồng thời tạo môi trường thực tiễn để đào tạo, phát triển đội ngũ kỹ sư chất lượng cao.

Tiến sỹ Phạm Kỳ Nam cũng cho rằng, Nghị quyết số 57 cũng đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó các tổ chức nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng gắn kết chặt chẽ. Công trình của Viện Hàng không Vũ trụ là ví dụ điển hình khi kết hợp nghiên cứu hàn lâm với sản xuất công nghiệp và ứng dụng thực tế. Từ việc không thể mua được loại vật liệu cần thiết từ nước ngoài, các kỹ sư trong nước đã làm chủ và đưa vào sử dụng sản phẩm do chính mình chế tạo.

Với cách tiếp cận chủ động, sáng tạo, bài bản và gắn liền với định hướng phát triển quốc gia, công trình nghiên cứu này đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước. Đây cũng là khẳng định rõ ràng khi được giao quyền chủ động và có định hướng đúng đắn từ chính sách, đội ngũ nghiên cứu Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các lĩnh vực công nghệ mới, tiên tiến và có giá trị ứng dụng cao.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Nghị quyết 57 - 'Khoán 10' về khoa học, công nghệ
Nghị quyết 57 - 'Khoán 10' về khoa học, công nghệ

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng, được ví như với “Khoán 10” trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN