Động thái này diễn ra trong bối cảnh hai nước đang có những mâu thuẫn về công nghệ sản xuất chip nhằm phục vụ trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng theo quan điểm của Trung Quốc như viễn thông, vận tải và tài chính.
Theo CAC, cuộc đánh giá cho thấy các sản phẩm của Micron có nguy cơ gây ra các vấn đề an ninh mạng nghiêm trọng, dẫn tới rủi ro bảo mật lớn đối với chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, CAC không nêu chi tiết về những rủi ro có thể gặp phải và những sản phẩm nào của Micron sẽ chịu ảnh hưởng của lệnh cấm này.
Về phần mình, công ty Micron cho biết họ đã nhận được thông báo của CAC về kết luận đánh giá các sản phẩm được bán tại thị trường Trung Quốc, đồng thời mong muốn tiếp tục tham gia thảo luận với phía Bắc Kinh nhằm khắc phục những vấn đề trên.
Trong tuyên bố mới đây, người phát ngôn Bộ Thương mại Mỹ khẳng định chính phủ nước này "kiên quyết phản đối những hạn chế không dựa trên cơ sở thực tế", đồng thời cho biết Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Jefferies cho rằng lệnh cấm này sẽ không tác động quá sâu đến Micron vì khách hàng chính của công ty này ở Trung Quốc không phải là các nhà điều hành và xây dựng cơ sở hạ tầng, mà là các công ty điện tử tiêu dùng, như điện thoại thông minh hay máy tính.
Theo Jefferies, Micron đã thu được 5,2 tỷ USD, tương ứng với khoảng 16% tổng doanh thu từ thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) trong năm ngoái, trong đó doanh thu tại Trung Quốc chiếm đến 10%.
Tháng 9/2021, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các quy định nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó yêu cầu các nhà khai thác tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc xoay quanh các vấn đề về an ninh mạng và bảo mật dữ liệu.