Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống quản trị thực thi trên nền tảng số bước đầu làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động từ thủ tục, báo cáo văn bản giấy tờ sang điều hành hệ thống thông tin, tương tác theo thời gian thực.
Hệ thống này có 3 chức năng chính gồm: Tổng hợp thông tin kinh tế - xã hội, kết quả bộ chỉ tiêu điều hành; điều hành, quản trị; giám sát, tương tác giữa người dân với chính quyền.
Theo ông Lâm Đình Thắng, chức năng nổi bật của hệ thống này là giúp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nắm thông tin tức thời 24/7 và đưa ra quyết định thực thi ngay trên các thông số kinh tế - xã hội, chỉ tiêu giao cho đơn vị triển khai.
Mỗi chỉ tiêu đều có màu sắc cảnh báo riêng, trong đó nhóm màu đỏ là nhóm nguy cơ không đạt so với kế hoạch được ưu tiên đưa lên đầu. Nhóm màu cam là nhóm đang tiếp tục phát triển, nhóm màu xanh là nhóm dự kiến đạt so với kế hoạch và nhóm chưa thể đánh giá do chỉ tiêu được tính theo năm. Đặc biệt của chức năng này là tự động gom nhóm cảnh báo chỉ tiêu nguy cơ không đạt xuất hiện đầu tiên và lãnh đạo có thể gửi yêu cầu giải trình đối với từng chỉ tiêu mà các đơn vị đã báo cáo.
"Tính năng quan trọng hơn của hệ thống quản trị thực thi là giám sát, tương tác giữa người dân với chính quyền. Vì vậy, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh có thể nhìn thấy được thời gian thực sự tương tác của người dân với chính quyền, giám sát kết quả xử lý việc tiếp nhận ý kiến của người dân đối với từng đơn vị", ông Lâm Đình Thắng cho biết.
Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, trước mắt, tính năng này theo dõi theo 5 nhóm: Tiếp nhận hiến kế của người dân; bản đồ thể chế, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, cổng thông tin 1022, tổng đài khẩn cấp liên thông 113 - 114 - 115 và cổng thông tin đối thoại doanh nghiệp.
Ngoài ra, hệ thống này xây dựng với kiến trúc mở, sẵn sàng mở rộng tích hợp các hệ thống thành phần khi cần thiết. Dữ liệu được lưu trữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu TP Hồ Chí Minh đảm bảo an toàn thông tin.