Tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào bảo trì, nâng cao tuổi thọ cầu, đường bộ

Trước thực trạng xuống cấp sớm của cầu, đường bộ do lưu lượng giao thông không ngừng gia tăng nhanh và chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao, mưa lớn, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các hoạt động áp dụng công nghệ tiên tiến vào bảo trì, sửa chữa, nâng cấp, nhằm nâng cao tuổi thọ cầu, đường bộ sau bảo trì trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp. Phóng viên báo Tin tức đã phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Nguyễn Mạnh Thắng về vấn đề này.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, công tác bảo trì cầu, đường bộ sau khi đưa vào khai thác đóng vai trò quan trọng. Ông có thể cho biết những khó khăn cụ thể hiện nay trong quá trình bảo trì, nâng cấp, sửa chữa cầu, đường bộ như thế nào?

Chú thích ảnh
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng. Ảnh: Cục Đường bộ Việt Nam   

Việc bảo trì cầu, đường bộ tại Việt Nam hiện nay đang gặp khó khăn. Đầu tiên là thiếu về kinh phí. Kinh phí ngân sách Nhà nước cấp hàng năm khoảng 12.000 tỷ đồng (bao gồm bảo trì khoảng 25.000 km đường quốc lộ và hơn 7.700 cầu), trong khi theo nhu cầu thực tế, Cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT tại Tờ trình số 63/TTr-CĐBVN ngày 30/5/2023, kinh phí bảo trì năm 2024 cần khoảng 40.800 tỷ đồng. Như vậy, kinh phí bảo trì hàng năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu thực tế.

Khó khăn thứ hai là thiếu về công nghệ (máy móc, thiết bị). Hiện nay, ở nước ta đã có nhiều công trình cầu xây dựng với khẩu độ nhịp lớn, trụ cao… áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới, đòi hỏi công tác bảo trì phải sử dụng các thiết bị máy móc chuyên dụng tiên tiến để có thể kiểm tra, phát hiện kịp thời các hư hỏng công trình cầu để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Đơn cử như cầu Cửa Hội ở Nghệ An có trụ cầu cao khoảng 40 – 50m so với mặt nước, muốn bảo trì cần phải có xe kiểm tra chuyên dụng và có cần cẩu vươn để đưa người xuống gầm cầu kiểm tra dầm, gối cầu. Riêng đối với cầu dây văng cần có thiết bị chuyên dụng để phát hiện các bất thường đối với cáp dây văng...

Bên cạnh đó, do yêu cầu về an toàn công trình cầu, đường bộ đòi hỏi cao, nên khi xảy ra các hư hỏng, sự cố công trình cần được phân tích, đánh giá nguyên nhân, để đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông và an toàn công trình. Thực tế này đòi hỏi cần có ý kiến tham gia chuyên sâu của đội ngũ chuyên gia. 

Vậy, giải pháp để khắc phục những khó khăn này là gì, thưa ông?

Trong điều kiện ngân sách dành cho bảo trì, nâng cấp, sửa chữa cầu, đường bộ hạn hẹp hiện nay, việc ứng dụng vật liệu xây dựng công nghệ mới có tính ứng dụng cao trong sửa chữa cầu, đường bộ là vấn đề cần thiết và cấp thiết. Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét những loại vật liệu mới, phương pháp bảo trì tối ưu, giảm chi phí tính trên cả vòng đời cầu, đường bộ. 

Để giải quyết khó khăn về kinh phí, Cục Đường bộ Việt Nam đang phải lựa chọn, ưu tiên sửa chữa những đoạn tuyến, những công trình cầu, đường bộ nằm trên tuyến huyết mạch, có lưu lượng xe lớn như: Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh... bị hư hỏng, gây mất an toàn giao thông, để thực hiện sửa chữa trước, những đoạn tuyến khác lưu lượng xe thấp, còn khai thác được sẽ thực hiện sửa chữa sau. 

Giải quyết khó khăn về công nghệ (máy móc, thiết bị), Cục Đường bộ Việt Nam đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường hợp tác với các tổ chức, các tập đoàn uy tín trên thế giới để mua máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác bảo trì cầu, đường bộ.

Riêng đối với các công trình cầu, đường bộ xảy ra hư hỏng, sự cố phức tạp, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực cầu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, lấy ý kiến đóng góp để lựa chọn phương án sửa chữa tối ưu. Đối với những trường hợp cần xử lý gấp, có thể mời các chuyên gia kiểm tra hiện trường, nghiên cứu hồ sơ để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp sửa chữa kịp thời, đảm bảo tiến độ công trình đưa vào khai thác. 

Chính phủ đang khuyến khích các hoạt động quản lý, bảo trì cầu, đường bộ áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông. Vậy Cục Đường bộ Việt Nam đang triển khai chủ trương này như thế nào, thưa ông?

Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, chất lượng, đáng tin cậy, có khả năng chống chịu và bền vững. Mặt khác, hệ thống chứng nhận công nghệ mới thông qua thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng đang được các bộ, ngành xây dựng và vận hành như một phương pháp để đưa công nghệ tiên tiến vào các công trình công cộng.

Cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Tokyo Belt (Nhật Bản) khảo sát xây dựng mô hình phổ biến các phương pháp sửa chữa mặt đường có độ bền cao, sử dụng hỗn hợp gia nhiệt đàn hồi chất lượng cao tại Việt Nam từ tháng 7/2022 - 11/2023. Mô hình này giới thiệu phương pháp thi công khe co giãn không mối nối và sửa chữa đường vẫn đảm bảo khả năng thoát nước bằng vật liệu sửa chữa đường của Nhật Bản. Công nghệ này có khả năng chống chịu được các điều kiện khí hậu khắc nghiệt tại Nhật Bản, tương đồng với Việt Nam. Khi áp dụng vào công tác bảo trì tại các địa phương sẽ ổn định trong thời gian dài, giảm chi phí bảo trì, xét trên cơ sở chi phí vòng đời; đồng thời, nâng cao tính an toàn cho phương tiện lưu thông. 

Tại Việt Nam, bên cạnh việc đầu tư mới vào các cơ sở hạ tầng giao thông, việc quản lý, bảo trì cầu, đường bộ trong phạm vi ngân sách hạn chế có vài trò quan trọng. Để nâng cao chất lượng quản lý và bảo trì cầu, đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam kỳ vọng vào sự tiến bộ của công nghệ có tính ứng dụng cao.

Sau bảo trì, sửa chữa, nâng cấp cầu, đường bộ và nghiệm thu, đưa vào khai thác, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm quản lý, bảo hành, thưa ông?

Việc thi công, bảo trì, nâng cấp, sửa chữa và nghiệm thu công trình cầu, đường bộ trong thời gian bảo hành công trình đều phải tuân thủ theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Điều 29 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP quy định “Trong thời gian bảo hành công trình xây dựng, khi phát hiện hư hỏng, khiếm khuyết của công trình, thì chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành”. Đối với các dự án bảo trì quốc lộ, chủ đầu tư là các Khu Quản lý đường bộ I, II, III và IV, Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng, các Sở GTVT nhận uỷ quyền quản lý quốc lộ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sơn Vân/Báo Tin tức
Tọa đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ
Tọa đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ

Ngày 31/8, Tọa đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Đường bộ do Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Bắc Ninh tổ chức, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh). Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN