Theo trang The Guardian (Anh), trong vụ kiện công ty bảo hiểm từ chối thanh toán chi phí điều trị y tế, trị liệu và di chuyển cho bé trai mắc chứng tự kỷ, ông Juan Manuel Padilla, thẩm phán ở thành phố Cartagena thuộc vùng Caribe, đã sử dụng ứng dụng ChatGPT để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trong số các câu hỏi dành cho chatbot này, ông Padilla đã hỏi ChatGPT về vấn đề pháp lý chính xác hiện tại: “Trẻ vị thành niên mắc chứng tự kỷ có được miễn phí điều trị hay không?”.
Câu trả lời của ChatGPT tương ứng với quyết định cuối cùng của thẩm phán: “Vâng, điều này đúng. Theo quy định ở Colombia, trẻ vị thành niên được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ được miễn trả phí cho các liệu pháp điều trị”.
Chatbot thậm chí dẫn luật số 1753, bộ luật năm 2015 của Colombia về quyền lợi được áp dụng cho toàn bộ cơ sở y tế dù công hay tư. Câu trả lời của ChatGPT cũng được ghi lại trong hồ sơ tòa án và thẩm phán Padilla tuyên bố công ty bảo hiểm phải chi trả toàn bộ chi phí cho người bệnh.
Vụ việc này đã thổi bùng cuộc thảo luận về việc sử dụng AI trong luật pháp và một số đồng nghiệp của thẩm phán Padilla đã chỉ trích ông.
Theo Giáo sư Juan David Gutierrez tại Đại học Rosario của Argentina, ChatGPT không thật sự là nguồn tham khảo tốt để ra quyết định trên tòa. Ông đã hỏi ChatGPT những câu hỏi giống nhau và nhận được nhiều câu trả lời khác nhau. Đôi khi siêu AI này cũng bịa đặt thông tin để đưa ra những câu trả lời sáng tạo và hấp dẫn.
Nền tảng non trẻ đã khuấy đảo thế giới công nghệ trong những tuần gần đây. Không chỉ trong lĩnh vực pháp lý, mà trong giáo dục, nhiều giáo viên lo ngại nền tảng này có thể bị học sinh sử dụng để đạo văn.
Song thẩm phán Padilla đã bảo vệ việc ứng dụng công nghệ trong công việc của ông. Ông cho rằng ChatGPT có thể giúp hệ thống pháp luật cồng kềnh của Colombia trở nên hiệu quả hơn.
“ChatGPT và các ứng dụng tương tự khác rất hữu ích trong việc hỗ trợ các quyết định của thẩm phán. Tuy nhiên, ChatGPT chưa thể thay các thẩm phán ra quyết định”, ông nói với Blu Radio.
Ông Padilla cũng nhấn mạnh rằng bằng cách đặt câu hỏi cho ứng dụng này, thẩm phán không đơn thuần là người thực hiện hoạt động xét xử của tòa án, mà còn thấu hiểu được tư duy của công chúng.
Vị thẩm phán này cũng lập luận rằng ChatGPT thực hiện các nhiệm vụ giống như một thư ký cung cấp thông tin. Siêu AI này đã thực hiện nhiệm vụ đó “có tổ chức, đơn giản và theo trình tự”, có thể “cải thiện thời gian phản hồi” trong hệ thống tư pháp.
Trong khi đó, Giáo sư Gutierrez của Đại học Rosario bày tỏ sự hoài nghi trước sự thừa nhận của thẩm phán. Ông kêu gọi Colombia nên đào tạo khẩn về “kiến thức kỹ thuật số” cho các thẩm phán.
Hồi năm 2022, Colombia đã thông qua luật cho phép các luật sư công ứng dụng công nghệ nếu có thể, để hỗ trợ công việc của họ hiệu quả hơn.
Ông Octavio Tejeiro, thẩm phán tại tòa án tối cao của Colombia, cho biết AI đang gây khủng hoảng về mặt đạo đức trong luật pháp. Ông nói rằng nhiều người lo ngại robot sẽ thay thế các thẩm phán, nhưng ông dự đoán công cụ này có thể sẽ sớm được chấp nhận và trở nên phổ biến.
“Hệ thống tư pháp nên tận dụng tối đa công nghệ như một công cụ, nhưng phải luôn tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và người quản lý công lý cuối cùng phải là con người. AI chỉ nên được coi như một công cụ giúp thẩm phán cải thiện khả năng phán đoán. Chúng ta không thể cho phép công cụ này trở nên quan trọng hơn con người”, ông Tejeiro nói.
Ông Tejeiro nói rằng ông chưa từng sử dụng ChatGPT nhưng sẽ cân nhắc sử dụng ứng dụng này trong tương lai.
Trong khi đó, chính ứng dụng ChatGPT đang tỏ ra e ngại hơn về vai trò mới của mình trong hệ thống tư pháp.
“Các thẩm phán không nên sử dụng ChatGPT khi phán quyết các vụ kiện pháp lý. Nó không thể thay thế cho kiến thức, chuyên môn và phán đoán của một thẩm phán con người”, ChatGPT trả lời câu hỏi của Guardian. “Các nhà báo cũng nên thận trọng khi sử dụng các trích dẫn do ChatGPT tạo ra trong các bài viết của mình,” chatbot nói thêm.