Tàu vũ trụ InSight của NASA kết thúc sứ mệnh khám phá Sao Hỏa

Ngày 21/12, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã nói lời tạm biệt với tàu đổ bộ InSight - tàu robot thăm dò đầu tiên được thiết kế đặc biệt để nghiên cứu phần sâu bên trong Sao Hỏa, qua đó kết thúc sứ mệnh khám phá “Hành tinh Đỏ” kéo dài 4 năm của tàu này.

Chú thích ảnh
Hình minh họa tàu vũ trụ InSight với các thiết bị được triển khai trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh tư liệu: NASA

Trong một tuyên bố, NASA cho biết bộ phận phụ trách sứ mệnh của tàu InSight đã 2 lần liên tiếp không thể liên lạc với tàu này, dẫn đến kết luận rằng pin năng lượng mặt trời của tàu đã cạn kiệt. NASA khẳng định InSight có thể ngừng hoạt động, nhưng di sản mà con tàu để lại, cùng với những khám phá quan trọng từ sâu bên trong Sao Hỏa, sẽ mãi tồn tại.

Theo NASA, các chuyên gia sẽ tiếp tục theo dõi các tín hiệu từ tàu đổ bộ, dù biết điều này khó xảy ra do bụi Sao Hỏa tích tụ ngày càng nhiều trên 2 tấm pin mặt trời của tàu làm cạn kiệt năng lượng.

InSight là 1 trong 4 tàu đang thực hiện sứ mệnh khám phá Sao Hỏa, cùng với các tàu tự hành Perseverance và Curiosity của Mỹ và tàu Zhurong của Trung Quốc. Tàu InSight đổ bộ  lên Sao Hỏa vào tháng 11/2018 với các thiết bị được thiết kế để phát hiện âm thanh địa chấn của hành tinh này. Các nhà nghiên cứu cho biết dữ liệu của InSight đã hé lộ độ dày của lớp vỏ bên ngoài, kích thước, mật độ của lõi bên trong và cấu trúc của lớp phủ nằm ở giữa của Sao Hỏa. Một trong những thành tựu chính của InSight là chứng minh rằng “Hành tinh Đỏ” thực sự đang có các hoạt động địa chấn, ghi lại hơn 1.300 trận động đất.

Đầu năm nay, NASA đã cố gắng mở rộng sứ mệnh của InSight bằng cách sử dụng cánh tay robot và một công cụ nhỏ để nhẹ nhàng lau sạch bụi bám trên các tấm pin năng lượng mặt trời. Lần gần nhất InSight liên lạc với Trái Đất là cách đây 1 tuần.

Sao Hỏa là một sa mạc lạnh giá, nơi thời tiết bị chi phối bởi những đám bụi xoáy. Trong suốt thời gian InSight hoạt động trên Sao Hỏa, con tàu đã phải đương đầu với những cơn bão bụi.

Phan An (TTXVN)
NASA phóng vệ tinh đầu tiên thực hiện khảo sát nước trên bề mặt Trái Đất
NASA phóng vệ tinh đầu tiên thực hiện khảo sát nước trên bề mặt Trái Đất

Tối 16/12 (giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng tên lửa Falcon 9 của SpaceX mang theo một vệ tinh lên vũ trụ để thực hiện sứ mệnh khảo sát đầu tiên về nước trên bề mặt Trái Đất nhằm làm sáng tỏ các cơ chế và hậu quả của biến đổi khí hậu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN