Kết quả trên được rút ra từ nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Mỹ, đã được đăng trên tạp chí Molecular Human Reproduction. Đột phá này được kỳ vọng giúp tạo ra phương pháp mới điều trị hiếm muộn.
Các giai đoạn phát triển của noãn người trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết trước đây, các nhà khoa học đã phát triển thành công trứng của loài chuột trong phòng thí nghiệm đến giai đoạn có thể tạo được phôi thai.
Ở nghiên cứu mới nhất này, các nhà khoa học thuộc bệnh viện ở Edinburgh (Anh) và New York (Mỹ) lần đầu tiên phát triển được noãn người ở môi trường ngoài cơ thể, đạt đến giai đoạn đầu của trứng trưởng thành. Mô buồng trứng trong nghiên cứu được lấy từ 10 phụ nữ trong độ tuổi 25 đến 39.
Bà Evelyn Telfer, nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhận xét: “Chúng tôi đang xem xét để tối ưu hóa hỗ trợ noãn phát triển theo hướng này đồng thời theo dõi mức độ khỏe mạnh của chúng”.
Các chuyên gia đều ca ngợi tầm quan trọng của nghiên cứu nhưng cũng cảnh báo rằng vẫn còn nhiều điều cần phải phân tích thêm trước khi noãn người phát triển trong phòng thí nghiệm đủ an toàn để thụ tinh với tinh trùng trở thành phôi thai.
Trong khi đó, giáo sư Darren Griffin tại Đại học Kent (Anh) nhận định rằng nghiên cứu này là thành tựu ấn tượng và nếu thành công cùng tỉ lệ an toàn được nâng cao thì trong tương lai noãn phát triển trong phòng thí nghiệm có thể tạo điều kiện để những bệnh nhân ung thư bảo toàn mơ ước trở thành mẹ trong khi phải trải qua hóa trị liệu. Bên cạnh đó là cải thiện điều trị hiếm muộn và hỗ trợ thêm thông tin sâu hơn về những giai đoạn phát triển đầu tiên của con người.