Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết: Ngay sau khi Bộ TT&TT cho phép thí điểm, hồ sơ kỹ thuật đã được Sở phối hợp với đơn vị thí điểm để hoàn tất công tác chuẩn bị. Do đây là công nghệ mới và trên thế giới cũng mới thí điểm nên tại Việt Nam cũng sẽ tiến hành thí nghiệm từng bước để đưa các tiêu chuẩn về công nghệ này.
“Công nghệ 5G là nền tảng phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng thành phố thông minh nhưng đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật cao nên cần chuẩn bị kỹ lưỡng”, ông Kỳ cho biết.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 9.300 trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) của 5 doanh nghiệp viễn thông, trong đó có trên 8.770 trạm 3G+4G. Đây là hạ tầng triển khai thí nghiệm thông tin di động 5G. Theo dự kiến, các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm 5G tại 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Ba Trưng từ quý II/2019.
Trong khi đó, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Về lý thuyết, mạng 5G cần dải tần số từ 3 đến 300 GHz. Tuy nhiên, sóng vô tuyến 5G chỉ có thể di chuyển trên tần số này một quãng đường ngắn, dễ bị nhiễu bởi thời tiết và các vật cản. Do đó, để đạt được tốc độ tiêu chuẩn 5G, nhà mạng phải gia tăng số lượng ăng ten phát sóng, rút ngắn khoảng cách các trạm phát.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, hạ tầng BTS đã phủ kín mạng 3G, 4G. Tuy nhiên, thiết kế mạng lưới phát triển hạ tầng 5G sắp triển khai gắn liền với hạ tầng 4G với các tiêu chí: Tăng cường sử dụng chung hạ tầng giữa các nhà mạng; phạm vi vùng phủ sóng 5G nhỏ nên đầu tư phát triển nhiều trạm BTS dạng ngụy trang, thân thiện môi trường để đảm bảo mỹ quan đô thị.
Bộ TT&TT vừa cấp phép triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng Viettel để đánh giá tính năng kỹ thuật và khả năng triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông sử dụng công nghệ di động thế hệ thứ 5 - IMT 2020. Phạm vi thử nghiệm 5G tại 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 73 vị trí. Trong quá trình thử nghiệm 5G, nhà mạng sẽ không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm.